Wednesday, January 22, 2020

Bình thơ: Từ Thế Mộng Thơ và Thơ - Lê Văn Trung

Từ Thế Mộng: Thơ và Thơ
                            -LÊ VĂN TRUNG-



   Nhà thơ Từ Thế Mộng
 (1937-2007)


Năm 1996, tôi có dịp về Phan Thiết vì công việc, khoảng tháng mười dương lịch, lâu quá cũng không nhớ chính xác ngày nào nhưng chắc chắn là vào một ngày chủ nhật đẹp trời vì chỉ có ngày này tôi mới nghỉ việc. Hỏi thăm địa chỉ anh Từ Thế Mộng từ Phạm Cao Hoàng, tôi đến 139 đường Hải Thượng Lãn Ông, thành phố Phan Thiết. Lần đầu tiên gặp anh, không ngờ là lần gặp duy nhất. Anh ký tặng tôi tập Tình Thầm Lặng, tập thơ in chung với Nguyễn Hy Triệu, do hội Văn Học Nghệ Thuật Bình Thuận xuất bản năm 1996.

Mặc dầu lần đầu tiên gặp nhau, nhưng chúng tôi đã biết nhau rất lâu từ trước những năm 1975 qua những bài thơ, truyện ngắn đăng trên báo, qua những sinh hoạt thơ ca từ các tỉnh thành miền Nam lúc bấy giờ, cho nên chúng tôi gần nhau dễ dàng, và cho dù mới gặp nhau lần đầu mà không hề nghĩ rằng đó là lần đầu, cứ như là anh em từ rất lâu rồi. Sợi dây thần kinh văn nghệ của tất cả anh em chúng tôi thời ấy như rung cùng một nhịp. Điều này anh Nguyên Minh đã nói lên rất xúc động trong tập Tưởng Chừng Đã Quên, hay Nguyễn Ước trong bài Còn Nợ Một Thời đăng trong Thư Quán Bản Thảo số 16 tháng Mười năm 2004. Hay nó bàng bạc trong nhiều truyện ngắn, bài viết của các anh Trần Hoài Thư, Phạm Văn Nhàn, Phan Xuân Sinh…

Lúc bấy giờ (1996) trông anh còn khỏe lắm, dáng người hơi đậm, trò chuyện cởi mở, vui vẻ, tôi không hề thấy dấu hiệu gì của bệnh tật.

Lần đó tôi hẹn anh tuần sau sẽ trở lại nhưng công việc của tôi đột ngột chuyển đi nơi khác. Không đến chào anh kịp. Nhưng tôi nghĩ thế nào mình cũng có dịp trở lại Phan Thiết, bởi công trường nơi tôi đang làm việc chưa thi công xong. Không ngờ tôi không trở lại được, cho đến bây giờ…

Năm 2006, anh Uyên Hà trên đường từ Singapore quay về Việt Nam ghé lại Sài Gòn chúng tôi quyết định làm một chuyến thăm anh em, cũng nhờ anh Uyên Hà có phương tiện. Thế là anh Uyên Hà, Hạ Đình Thao và tôi tập hợp ở Sài Gòn để chuẩn bị đi Phan Thiết. Trên đường đi, chúng tôi ghé lại Xuân Lộc thăm vài người bạn. Sáng hôm sau, trước khi lên đường ra Phan Thiết, anh Uyên Hà gọi ra báo trước với anh Từ Thế Mộng, nhưng không ngờ anh đang nằm ở Sài Gòn vì một chứng bịnh kinh khủng: ung thư. Chúng tôi quá bất ngờ và xúc động. Định khi quay lại Sài Gòn sẽ ghé thăm anh.

Chúng tôi xoay hướng lên Bảo Lộc để thăm anh Nguyễn Đức Sơn và Hoàng Ngọc Châu. Lại một cái không may nữa: Hoàng Ngọc Châu đang ở Sài Gòn. Chúng tôi về Đại Lào thăm gia đình anh Nguyễn Đức Sơn. Chúng tôi quay về Sài Gòn ngay tối hôm đó để tranh thủ thăm anh Từ Thế Mộng nhưng oái ăm thay: ngay tối hôm đó anh Từ Thế Mộng đã quay về Phan Thiết.

Anh Uyên Hà hết thời gian nghỉ lại ở Sài Gòn, anh phải về Đà Nẵng. Chúng tôi chia tay và không nghĩ rằng lại không có một lần khác ra thăm anh.
Hạ Đình Thao về Phương Lâm, tôi trở lại Đồng Nai.

                                           

    Thư Quán Bản Thảo, Tập 29, tháng 10-2007
    Chủ đề Tưởng niệm nhà thơ Từ Thế Mộng
(1937-2007)

Về nhà tôi gọi cho anh. Giọng anh vui lắm. Cười rất sảng khoái, vô cùng lạc quan. Anh không biết mình bị ung thư giai đoạn cuối. Từ gia đình đến bạn bè đều dấu anh. Anh khoe với tôi sáng nào cháu (con gái anh) cũng đưa anh đi tắm biển, bơi và chạy nữa. Anh nghĩ đơn giản là trong bao tử anh có hai khối u, không đau. Tôi động viên anh. Chúc anh không mang bệnh hiểm nghèo (thật ra lúc đó tôi cũng chưa biết anh bị ung thư giai đoạn cuối). Chỉ đến khi anh Nguyên Minh báo tôi mới biết nhân một chuyến tôi và Hạ Đình Thao ghé thăm anh Nguyên Minh và nhận một số Thư Quán Bản Thảo chủ đề về Phan Nhự Thức và Nguyễn Nho Sa Mạc. Anh Nguyên Minh cho biết là đang tranh thủ in cho xong tập: Thơ Từ Thế Mộng, chứ chưa biết anh ra đi lúc nào.

Và thật là may mắn, tập THƠ TỪ THẾ MỘNG do nhà Văn Nghệ xuất bản đã kịp in xong lúc anh vẫn còn tỉnh táo, dù thời gian này anh đã bị sút cân rất nhiều. Rất mừng cho anh. Ít ra trước khi ra đi, anh cũng được thấy, được nâng niu, được hôn lên từng trang, từng chữ, mà ở đó linh hồn và máu thịt anh đã quyện vào.

Ngày 3 tháng Tư-2007, tôi nhận được tập thơ anh gởi tặng từ Phan Thiết. Mừng vô cùng. Lật trang đầu, đọc mấy dòng anh đề tặng tự dưng tôi bàng hoàng:

Bạn rất xa
Hóa ra gần gũi
Cứ ngỡ bạn vừa mới
Ghé qua nhà

Trong giai đoạn này anh đang sống với nỗi đớn đau của bệnh tật, ảo giác giữa mộng và thực chờn vờn trong cơn vật vã, quằn quại. Anh đang sống trong giấc chiêm bao sau cùng của đời mình: giấc chiêm bao lẫn lộn những THỰC/HƯ, những BÓNG/HÌNH, những THƠ và MỘNG, những KHỔ ĐAU và HẠNH PHÚC. Chập chờn.

Anh đang sống trong nỗi cô đơn quạnh hiu, mong đợi một ai đó sẽ đến với mình. Có thể một thoảng gió lay qua căn phòng im ắng nơi anh đang nằm, có thể một chiếc lá rơi bên ngoài khung cửa, đều làm cho anh nôn nao tưởng chừng có ai đó, một người bạn thơ hay một giai nhân đã từng đi qua cõi thơ Từ Thế Mộng, như chiêm bao, đến cùng anh.Vỗ về anh, nhập vào trong cõi mộng của anh.

Tôi chưa kịp gọi cám ơn anh thì được tin anh ra đi. Bạn bè khắp nơi, trong nước, hải ngoại, bàng hoàng thương tiếc anh.

Chiều 13 tháng 5-2007 anh Uyên Hà từ New Guine gọi về báo cho tôi cái tin buồn này. Và anh cũng yêu cầu tôi làm một số việc: thay mặt anh em ở xa về Phan Thiết chia buồn cùng gia đình anh Từ Thế Mộng và tiễn đưa anh đến nơi an nghỉ cuối cùng.

Rất nhiều anh em từ khắp nơi email về cho tôi báo tin và chuyển lời chia buồn cùng gia đình anh Từ Thế Mộng. Như các anh Phạm Văn Nhàn, Phan Xuân Sinh, Trần Hoài Thư, Đỗ Xuân Quang, Thiếu Khanh, Phương Tấn, Nguyên Minh….

Tôi gọi cho Hạ Đình Thao ở Phương Lâm vừa mới từ Đà Nẵng vào, và 5 giờ sáng ngày 16 tháng 5-2007 tôi cùng Hạ Đình Thao về Phan Thiết.

Đứng trước ngôi nhà ở số 139 đường Hải Thượng Lãn Ông, nơi cách đây mưòi năm tôi đã có lần tới, lòng tôi chùng xuống và bất chợt những ý nghĩ về cái phù du của cõi đời, về những mất còn sinh tử mà thân phận mỏng manh của con người phải mỏi mệt bơi hoài trong đó.

Không gian một màu trắng xoá, những vòng hoa, những câu chia buồn phân ưu và những giọt nước mắt, những cái bắt tay im lặng, những mắt nhìn ái ngại, xót xa…

Đốt nén nhang trước linh cửu anh, chúng tôi-Hạ Đình Thao và tôi-kính chuyển đến anh những lời thương tiếc của anh em bè bạn ở trong nước cũng như ở hải ngoại vì xa xôi không thể về tiễn đưa anh. Chị Giao, vợ anh, các con anh, trong màu trắng của tang thương đều đứng bên linh cửu anh, chị phờ phạc đi nhiều và không còn tỉnh táo được nữa. Anh Nguyễn Đình Bốn, em ruột nhà thơ Từ Thế Mộng, thay mặt gia đình cám ơn và nhờ tôi chuyển lời cám ơn của gia đình đến tất cả anh em bè bạn của anh Từ Thế Mộng.

Hôm còn ở Đồng Nai tôi đã gọi điện hỏi gia đình để biết chính xác giờ động quan: 11 giờ ngày 16 tháng 5 năm 2007 nhằm ngày 30 tháng 3 Đinh Hợi.

Tôi và Hạ Đình Thao đến nơi mới 8 giờ sáng cho nên còn nhiều thời gian để trò chuyện và găp gỡ một số anh em ở Phan Thiết, Bình Thuận. Người đầu tiên nhận ra tôi ngay là Phạm Văn Ngọc (em ruột Phạm Văn Nhàn) vì trước 75 Ngọc có chung sống với anh em chúng tôi ở Qui Nhơn. Bấy giờ Nhàn là sĩ quan huấn luyện ở một trung tâm thuộc tỉnh Bình Định, anh Trần Hoài Thư là sĩ quan trong một đơn vị biệt kích, tôi và Phạm Cao Hoàng học sư phạm, ngoài ra còn có Lê Văn Ngăn, Thái Ngọc San, anh Huy Hoàng… Qua Phạm Văn Ngọc tôi gặp Nguyễn Như Mây, Tô Duy Thạch, Văn Thoại Nhiên và còn nhiều anh em nữa ở Phan Thiết, Bình Thuận. Một số anh em ở Hội Văn Học Nghệ Thuật Bình Thuận cũng có đến chia buồn.

9 giờ các thầy bắt đầu làm lễ, tụng kinh cầu nguyện. Một người nào đó trong ban tang lễ đọc điếu văn trước linh cửu anh, giọng ai oán não nùng, tiếng chuông mõ âm u trong hương khói khiến chúng tôi ngậm ngùi. Di ảnh anh trên bàn thờ, anh nhìn xuống chúng tôi như muốn nói điều gì, muốn nhắn gởi điều gì. Phải chăng anh chưa an tâm ra đi khi còn ở lại trên cõi đời nầy người vợ yếu đuối, các cháu chưa trọn vẹn trưởng thành, nhất là Luân, đưa con trai tội nghiệp của anh mang hội chứng down đang sống một cách vô thức, có thể cười, có thể khóc không vì một lẽ gì, không cảm nhận được rằng từ nay cháu không còn cha, vĩnh viễn không còn.

11 giờ lễ động quan bắt đầu. Tiếng khóc vỡ oà trong không gian, trời Phan Thiết bỗng như tối lại. Chúng tôi lặng lẽ theo sau xe chở quan tài. Đoàn xe đưa tang đi hết đường Hải Thượng Lãn Ông qua Trần Hưng Đạo rồi về đường Thủ Khoa Huân -đường dẫn đến nghĩa trang thành phố Phan Thiết. Gần đấy là lầu Ông Hoàng, một địa danh đã từng lưu dấu chân Hàn Mặc Tử. Phần mộ anh được chọn ngay trên đỉnh đồi lộng gió, chung quanh là biển và rừng. Xa xa kia là Mũi Né, niềm kiêu hãnh của ngành du lịch Phan Thiết. Xa tít xanh thẳm kia là vùng núi rừng Bảo Lộc, Lâm Đồng. Từ chỗ anh nằm nhìn về thành phố Phan Thiết ta có cảm giác như từ trên đỉnh cao nhìn xuống một thung lũng mênh mông xanh, những mái ngói đỏ, những dãy tường trắng điểm xuyết thành một bức tranh phong cảnh tuyệt mỹ.

12 giờ 30 làm lễ hạ huyệt, nhà văn Văn Thoại Nhiên thay mặt anh em đọc điếu văn trước mộ.

Tất cả chúng tôi, với lòng tiếc thương vô hạn gởi đến anh nắm đất sau cùng. Thôi, anh hãy về với đất, về với cát bụi hư vô.

Tôi và Hạ Đình Thao đến chào gia đình anh lần nữa và chuyển tâm nguyện của anh em ở xa là sẽ có một ngày về Phan Thiết thắp nhang tưởng nhớ anh, và anh Uyên Hà sẽ cố gắng tổ chức một buổi đọc thơ anh tại quán café Thạch Trúc Viên của Đinh Trầm Ca ở Đà Nẵng.

*

Thật vô cùng có lỗi với anh nếu nhân dịp này không đọc lại tập thơ của anh. Nhưng tôi cũng xin thú thật là không dám đọc tập thơ này như một bài điểm sách, tôi chỉ xin ghi lại ở đây vài cảm nghĩ của riêng mình về một nhà thơ có một bề dày thời gian trên sân chơi văn nghệ trước và sau 75, hơn nữa, đối với anh, tôi luôn tôn trọng như một người anh, về mặt tuổi tác, trong tình cảm anh em văn nghệ đối với tôi anh cũng là người đi trước.

Tỉnh Bình Thuận nói chung, Phan Thiết nói riêng, là nơi tập trung rất nhiều anh em văn nghệ, bản tính của ngườì Phan Thiết hiền hòa, mến khách, con người văn nghệ nơi đây lại càng đáng yêu. Tôi đã gặp vài anh em, tuy là lần đầu gặp gỡ, vẫn nồng nàn thắm thiết, ân cần, chân tình. Có lẽ vì bản chất đẹp đẽ đó mà hầu như thơ văn của anh em chứa đầy tính nhân văn, đầy tình người và tình yêu thiên nhiên.

Sông nước, biển rừng ở Phan Thiết cũng là một yếu tố mang đầy chất thơ, lãng mạn và nồng cháy, góp một phần rất lớn trong hình thành những nhà thơ vùng biển trời gió cát. Anh Từ Thế Mộng là một trong những nhà thơ đó.

Thơ của anh anh luôn đầy ắp tình yêu, nồng nàn, chan chứa, đôi khi nó trần gian một cách cuồng nhiệt, say đắm. Đôi lúc thơ anh mang một nỗi buồn ray rứt, nhưng là nỗi buồn của một niềm hạnh phúc xa xăm vời vợi:

Tiếng kêu
Lạnh chỗ anh nằm
Nghe quằn quại
Cả tiếng lòng
Quạnh hiu
(Tình thầm lặng, trang 34)

Cuộc tử sinh giữa cõi trần gian phù phiếm này, lẽ mất còn giữa cõi đời tạm bợ này, và ra đi hay trở về chỉ là lẽ biến dịch vô thường, chẳng có thủy chẳng có chung, đâu là nơi khởi nguồn, và đâu là chốn sau cùng:

Ta còn hay đã mất
Có sá gì đâu em
Xa em, ở đâu cũng chỉ là hoang mạc
Hồn ta, ngọn tàn hiu hắt
(Như là chiêm bao, Tình thầm lặng, trang 37)

Sống là cuộc hành hương phiền muộn về cõi chết, Từ Thế Mộng, trong chuyến hành hương đời mình ngót bảy mươi năm, bảy mươi năm anh băng qua sa mạc đời mình để tìm kiếm, tìm kiếm cái hồn của mình trong cái hồn của vạn vật, của trăng sao, của sóng biển, của Phan Thiết chập chờn giữa mộng và thực, giữa thi ca và giai nhân, giữa tinh huyết và bùn lầy:

Mộng nằm mộng
dưới hàng hiên
càng khuya khoắt mộng
càng huyền hoặc ra
(Đêm trăng nghe tiếng vạc kêu, Thơ Từ Thế Mộng, trang 30)

Giữa đêm thức giấc giữa giấc chiêm bao mềm nhũn, nghe tiếng vạc kêu mà như nghe tiếng vọng từ thiên thu vạn cổ, tiếng vọng làm vỡ tung cả không gian:

Xẹt ngang qua mái hiên nhà
không gian rộng
bỗng vỡ oà
vạc kêu

Dù trong mộng hay thực, dù trong hoan lạc hay khổ đau, dù chập chờn giữa đôi bờ tồn vong, trái tim anh vẫn từng nhịp khắc khoải yêu người, yêu sương mưa hoa cỏ, từng nhịp ấy vẫn vang vang suốt cuộc hành trình đời anh qua bao tròn khuyết của vầng trăng định mệnh:

Em là giọt sương của tôi
trong veo
          em xuống từ trời
                     ngát hương
Có em
          có cả thiên đường
không em
          chút cỏ vô thường
                     cũng không!
(Giọt mưa của tôi, Thơ Từ Thế Mộng, trang 11)

EM LÀ GIỌT MƯA CỦA TÔI, sao em không là gì mà là giọt mưa của tôi? Chỉ có thi sĩ mới cảm nhận được cái mùi hương của giọt mưa, chắc chắn đây là mùi hương của EM. Và mùi hương của em từ cõi trời theo giọt mưa loang tỏa trong không gian. Và EM đó là của riêng nhà thơ, chỉ có nhà thơ mới cảm nhận được.

Trong bài: Nổi buồn thu nhỏ trang 26, Thơ Từ Thế Mộng tôi thích nhất câu:

Ngày xưa mưa bụi trôi trên tóc
Mùa đã thu rồi em nhớ hay không?

Mùa hết thu rồi hay mùa thu đã qua rồi, có thể là mùa thu đã qua rồi, nhưng mùa hết thu rồi thì chưa hẵn là mùa thu vật lý. Đó là cái mùa của tuổi 11, 12, cái mùa của hương trinh, cái mùa của rực rỡ nắng hồng, mùa trong ngần da thịt người.

Có tình yêu là có hạnh phúc, có khổ đau. Nhưng nguời hạnh phúc trong thơ Từ Thế Mộng êm đềm dìu dịu như hơi sương:

“Anh nghe trong hơi nước đầy hơi sương, trong hơi sương đầy hơi em, trong hơi em đầy hơi của mặt trời mới mọc” (Lời ca cỏ non, thơ Từ Thế Mộng)

Và nỗi khổ đau trong thơ anh-mà hình như trong thơ anh ta ít bắt gặp nỗi khổ đau, có chăng là những làn gió nhẹ thổi gợn qua lòng thi nhân, hay đôi khi những khổ đau chỉ còn là những ray rứt tự chính lòng mình:

Chẳng tiếc em lấy chồng
chỉ tiếc mình già cỗi
(Mai em lấy chồng xa, Thơ Từ Thế Mộng, trang 79)

Cũng chẳng hề trách móc giận hờn chi:
Chỉ xin em một nụ cười
(Thương em từ thuở, Thơ Từ Thế Mộng, trang75)

Từ Thế Mộng, có một trái tim rất thi ca, anh yêu hết cả, trải ra mông mênh với đời. Viết về MẸ, anh có một trường ca: “Trường ca má thương yêu”. Rất tiếc tôi chưa có dịp đọc tác phẩm này, nhưng những trích đoạn đưa vào tập thơ Từ Thế Mộng, hoặc những bài anh viết về người mẹ kính yêu:

“Những lá trầu không sững sờ hoá đá
Vút lên cao soi dáng mẹ trăm chiều”
(Dáng mẹ trăm chiều, Thơ TTM, trang 102)

Anh mất mẹ sớm cho nên tình yêu của anh dành cho mẹ càng thiết tha:

“Con lếch thếch đi tìm ôm mẹ khóc
chiều lênh đênh lùa bóng tối đi lang thang
chiều lênh đênh lùa bóng tối đi lang thang”
(Nước trong nguồn, thơ TTM trang 25)

Hơi thơ Từ Thế Mộng luôn luôn dàn trải cả tấm lòng mình: hiền hậu, chân chất, anh không cầu kỳ trong vận dụng ngôn ngữ, anh viết dưới mọi thể... không chọn lựa cho mình một hình thức thể hiện nào nhất định. Thuận thế nào anh viết thế ấy. Tự do, năm chữ, bảy chữ, biến thể. Anh chỉ cần, bằng bất cứ hình thức nào cũng được, miễn chân thành bộc lộ cái tình của anh. Có thể có người cho rằng anh dễ dãi quá. Không sao... Anh chỉ cần viết ra cái đang lồ lộ trước mắt, nóng hổi:

Lâu ngày không nhận ra em
bỗng trưa thức dậy thấy đèn sáng trưng
ô em tóc xõa lưng chừng
em vừa tắm mát lộ cái lưng trần đó thôi!”
(Tặng vợ, Thơ TTM, trang 123)

Kính yêu mẹ, thương quí vợ con, bàng bạc trong thơ anh là những hình những bóng của người thân yêu, như các bài: Như hai giọt nước (trang 13). Con bớt chưa con (trang 32), Có con trên đời (trang 66).

Từ Thế Mộng cũng là người trọng nghĩa tình bằng hữu, nhất là cái tình anh em văn nghệ. Ta hãy đọc hết bài: Thương ngươi không thể cầm trong tay (thơ TTM tr. 14) để thấy được tấm lòng anh đối với một người bạn: nhà văn Y Uyên, một sĩ quan quân đội VNCH trước 75 đã nằm xuống vĩnh viễn trên quê hương khi tuổi đời còn rất trẻ và tài hoa đang thời kỳ phát tiết:

Mấy trùng sâu cách ngươi nằm xuống
Nôra còn chùng bông cỏ may
Nôra chùng lòng dăm đứa bạn
thương ngươi không thể cầm trong tay

Thương ngươi lũ bạn quây quần lại
đánh phé vui tràn suốt cả đêm
vui quá nên vui tràn nước mắt
hồn buồn không thấy mộng Y Uyên!
(Thương ngươi không thể cầm trong tay, Thơ TTM trang 16)

Đọc thơ anh chúng ta cũng bắt gặp, dù rất hiếm, bóng dáng một tay tửu đồ giang hồ chất ngất hào khí lãng tử, nhất là lâu lắm mới gặp lại một người bạn thân:

Mấy mươi năm, hừ chỉ mấy lần gặp mặt,
bù khú cho quên đời chiêm bao
rượu thơ say khướt quên ngày mất
tỉnh rưọu, hơi thơ còn lao đao!

Để rồi:

Trời đang lạnh gắt ở phương xa
rượu nốc không nguôi nỗi nhớ nhà
lạnh lắm mày đừng xương cốt rụi
kẻo chìm đáy cốc một mình ta!
(chiều cuối năm nhớ bạn, Thơ TTM trang 42)

Bây giờ ngồi đọc lại thơ anh, tôi vẫn còn ray rứt, không phải ray rứt vì thơ anh mang đến cho tôi những vui buồn, mà vì, trước khi anh ra đi tôi đã không thực hiện đươc một chuyến cùng anh em ra Phan Thiết để thăm anh, dù biết anh đang bệnh, và cũng chưa kịp gởi đến anh lời cám ơn anh đã tặng tập thơ.

Những dòng này xin gởi đến anh như một lời xin lỗi, cầu chúc linh hồn anh nơi cõi ngoài bao la của đất trời phiêu du cùng cõi thơ của anh.

Và cũng xin với anh em bằng hữu, của anh cũng như tôi, hãy xem những dòng này của tôi chỉ là nhưng cảm nhận của một người bạn văn chương viết về một người bạn văn chương, không gì hơn ngoài chút tình trân quí nhau.

Đồng Nai, ngày Bính Thân năm Đinh Hợi, (1-7-2007)

Lê Văn Trung
Thư Quán Bản Thảo tập 29, tháng 10-2007
Chủ đề Tưởng niệm nhà thơ Từ Thế Mộng (1937-2007)

No comments:

Post a Comment