Sunday, January 19, 2020

Truyện ngắn: Gọi Tên Người yêu dấu - Lê Nam Phương (thi sĩ Lê Văn Trung)

GỌI TÊN NGƯỜI YÊU DẤU

Lê Nam Phương (thi sĩ Lê Văn Trung)

*https://en.calameo.com/books/002555245d06e5ca82aed


1

Nàng có một cái tên nghe ngồ ngộ, là lạ, hay hay.  Cái tên mà mỗi lần kêu lên nó còn đọng lại, sau đó, trong hồn anh như tiếng chim buổi sáng trong vườn xuân tuổi trẻ, nó trải dài mang mang trên con đường chiều anh lang thang, nó làm cho anh bắt gặp anh trong tiếng gió lao xao của hàng dương liễu hòa trong tiếng rì rào của sóng biển trùng khơi.


Nàng có một cái tên nghe vui vui, trong trẻo, vang vang.  Cái tên mà mỗi lần gọi lên thì hình như nó khua từng nhịp trong lòng anh cơ hồ như tiếng bước chân ai rộn rã trên lối đi rãi sỏi nơi công viên một lần hò hẹn, nó làm anh nhìn lên bầu trời trong xanh cao vút, nó làm anh thấy màu mây trời đẹp quá! Nó làm anh bất giác hát vang như một gã ca sĩ cuồng say trước những nhiệm mầu của thanh sắc.
Nàng có một cái tên mà một lần, chỉ một lần thôi, ai nghe gọi lên, không chỉ riêng anh, nó còn đọng mãi cái âm thanh kỳ diệu đó trong tim, mãi mãi, cho đến bây giờ, cho đến mai sau, cho đến sau cái mai sau, nghĩa là nó vĩnh cửu, nghĩa là nó bất diệt.  Và bốn mươi năm nay, cái tên đó vẫn còn nguyên trong anh: Lý Minh Thơ.

Không ai có thể buồn nữa khi nghe ai đó gọi tên nàng, và cho dù nhiều lúc anh đang trầm tư lắng lòng mình vào tiếng gió áo não thổi qua chiều mùa đông nơi cái thành phố nhỏ nằm ven biển này, bỗng dưng tiếng gọi tên nàng vang trong tim anh, anh gọi tên nàng, thế là âm thanh áo não đó bỗng nhiên réo rắc như tiếng vĩ cầm đang tấu khúc nhạc hồng trong ngày hội tình yêu…Rồi anh đốt thuốc, nhả từng vòng tròn khói đan vào nhau, cuốn vào nhau và bay đi.

Anh chưa một lần ngắm nhìn nàng một cách rõ ràng.  Nàng thường xuất hiện trước anh trong màu áo hoàng cúc điểm những cánh hoa nho nhỏ màu tím nhạt.  Bóng nàng nhẹ lướt trong nắng chiều vàng phai, anh cứ nghĩ nàng là một cánh bướm thần tiên trong một truyện thần tiên. Nàng không bước mà lướt đi.  Nàng không bay mà la đà mặt đất, hai tà áo gió đẩy về phía sau cũng nhẹ như một giải mây đang trôi.

Anh luôn nghĩ nàng rất đẹp.  Không.  Không phải rất đẹp.  nàng rất quyến rũ.  Vâng.  Nàng rất quyến rũ.  Chỉ thoạt bắt gặp bóng dáng nàng là anh đã bị mê hoặc.

Anh thường đứng từ xa, nhìn nàng nhẹ nhàng như mây trên con đường chiều về ký túc xá.  Mái tóc nàng như một màn tơ lụa chảy xuống hai bờ vai thon dập dờn theo từng nhịp, đôi lúc làn gió vô tình đẩy hết về một bên rồi bung trở lại đẹp như một nét thư họa.
Anh chưa một lần ngắm nhìn nàng một cách rõ ràng, dù mỗi lần nàng xuất hiện sức quyến rũ của bóng dáng nàng có ma lực cuốn hút anh, quyến rũ anh và anh thấy mình bềnh bồng theo nàng như trong chiêm bao.  Và cái mùi hương kỳ diệu từ nàng hòa trộn vào ngây ngất của hương chiều vương lại trên từng ngọn cỏ, tỏa ngập vào không gian, anh nghe như hồn mình đang trong cơn say dìu dịu.

Và như thế, anh chỉ biết nàng không hơn một cái tên mà mỗi lần anh gọi lên trong lòng thì tim anh rộn rã.  Và nàng thì chẳng hề hay biết rằng, trên cuộc đời này, trong cuộc đời nàng, có một người, đã từng, ngắm nhìn nàng từ xa và bị nét quyến rũ của nàng dẫn anh ta đi vào một cõi mộng mơ thần thoại, như rất nhiều người ngắm nhìn nàng Monalisa, rồi bị nụ cười bí hiểm của nàng cuốn hút, chẳng hiểu vì sao.

Và rồi, với anh, cũng chỉ có thế.

Mùa đông 1968, anh đứng trên balcon, như thường ngày, nhìn xuống con đường chiều men theo biển, con đường nàng thường đi về mấy bận mỗi ngày.  Đúng vào một ngày của mùa đông năm đó, anh đứng chờ.  Thời gian trôi nặng nề.  Trôi nặng nề.  Trôi lặng lẽ.  Anh đứng như một pho tượng, căng mắt nhìn xuống mặt đường nhạt nhòa bóng tối.

Ngày sau. Ngày sau. Và ngày sau nữa. Anh đứng chờ.  Anh mong ngóng.  Anh gọi tên nàng nho nhỏ, âm thanh vang vang rồi mất hút.

2

Ngôi nhà nho nhỏ nằm khuất bên trong vài mươi bước đi bộ ở cuối đường Nguyễn Thái Học là nơi hội tụ những khuôn mặt bạn bè.  Đó là những con người đã được sinh ra và lớn lên trong giai đoạn bi thảm của lịch sử.  Đất nước bị xâm lược bởi đủ loại học thuyết, loại chủ nghĩa, xa lạ hoàn toàn với tình tự dân tộc.  Nhưng sức mạnh tàn bạo của nó đã đẩy đất nước vào những đổ nát, những bi kịch, những chia lìa và thù hận.  Và cũng không ít nỗi chán chường, phiền muộn và bất cần, hoàn toàn lạc hướng, không mục đích.  Một vài cá nhân bám víu vào một cái gì đó của bên này hay của bên kia và bị ảo tưởng đánh lừa, bị giáo điều đánh lừa, bị cả tình yêu đánh lừa.
Trong căn nhà này, ngoài những con người đại diện cho đủ loại “tư tưởng không hoàn hảo”, mà anh là một trong những con người đó, ngoài họ, bất cứ ai bước vào căn phòng đó cũng sẽ bắt gặp, nơi xó tối này vài cuốn sách của Sartre, của Simon de Beauvoir, nơi kia vài cuốn của Camus, vài cuốn nói về Mars, về Lênin.  Thậm chí có cả cuốn “Làm thế nào để trở thành người Cộng Sản” của một tác giả ngoại quốc nào đó. Còn nhật báo, tạp chí thì vô kể.  từ loại văn học nghệ thuật chính thống đến văn chương dấn thân.  Và nhất là đủ thứ hoan hô đả đảo.

Anh đã sống cùng, trong ngôi nhà đó, với tất cả như thế. Và anh cũng lạc lối, phiền muộn, khổ đau, ngông nghênh, bất cần. Nếu phải quên hẳn tên nàng chắc anh buồn lắm.

Hàng ngày, anh nhìn ngắm bạn bè mình, trong căn nhà đó.  Cười với họ, trầm tư như họ, văng tục chửi thề như họ, yêu đương và ngủ với gái điếm như họ.  Đêm chong đèn uống rượu, nói chuyện chiến tranh, chuyện giết người và người giết, chuyện hận thù và yêu thương.  Có lần đã cầm súng suýt bắn nhau.

Đêm ấy, anh Hoàng Huy từ Nha Trang ra, đây là một người được anh em miền Nam Trung Việt tặng cho cái danh xưng trang trọng là: Mạnh Thường Quân văn nghệ. Đêm ấy, tại căn nhà này, sau khi tất cả đã uống dăm ba cốc rượu, một vài ly bia, Hoài đã rút súng kê sát vào đầu Thái:

-        Mày vừa nói gì?  Mày can đảm lặp lại đi.  Mày sẽ được chết can đảm.

Thái nói gì, hình như ít người nghe, nhưng Hoài và anh đã nghe.  Trong cơn tức giận, đôi mắt cận gần mười hai độ của Hoài càng lồi ra, tay run run với khẩu Colt 12, mặt Hoài tái nhợt.  Anh em ngạc nhiên, sửng sốt không phản ứng.  Anh ngồi bất động.  Thời gian đông cứng, đặc quánh.  Nhưng anh Hoàng Huy vụt đứng lên, kéo Hoài ra ngoài.  Hoài ném khẩu súng xuống mặt bàn, bước theo anh Hoàng Huy, đưa tay vuốt đầu tóc bạc, lấy cái mũ vắt nơi cầu vai áo, gỡ kính ra, lau hai giọt nước mắt vừa ứa ra.

-        Em không thể bắn nó, anh ạ.

-        Nhưng Thái nói gì?

-        Hắn bảo em là tên lính đánh thuê.  Vậy những người anh em nó đi lính cho ai?  Cho ai?  Ở bên kia.  Hắn không hiểu.  Cái thằng ngu.  Thằng bạn em nó ngu.  Nó không hiểu.  Làm sao em bắn nó.

Anh Hoàng Huy và Hoài đi rồi, còn lại, còn lại Ngạn, Cao và Nhân cùng anh vẫn ngồi uống rượu.  Thái bỏ đi lặng lẽ.

Anh lại nhớ đến tên nàng, bất giác anh mỉm cười một mình.  Tại sao mỗi lần nhớ đến tên nàng anh lại thấy an tâm. Như lần này, ở đây, đạn suýt nổ, máu suýt rơi, hận thù bung vỡ…trong lòng anh em bè bạn.  Và, cũng có thể, đạn chưa kịp nổ, máu chưa kịp rơi, hận thù chưa kịp bung vỡ, vì cũng như anh, trong lòng Hoài, trong tim Thái, trong tấm lòng của Nhân, của Ngạn, của Can còn vang lên một cái tên nào đó.  Hương, Diễm, Phước, Cúc Hoa, cũng như trong anh, tên của nàng, như một tiếng đàn, rung lên.

-        Có ai nghe Thái nói gì mà Hoài giận ghê vậy?

Nhân hỏi bâng quơ chẳng nhằm vào ai, và hầu như cũng chẳng ai tha thiết được trả lời.  Can lấy cái kính cận sáu diop ra khỏi mắt, trong nhóm anh em hay tụ tại căn nhà này có hai anh chàng cận rất nặng: Can gốc Tuy Hòa, Hoài gốc Huế.  Can dùng vạt áo để lau kính, chưa vội mang kính vào, Can trả lời câu hỏi của Nhân mà nghe cũng như trả lời vu vơ, chẳng thiết tha đáp lại cho đúng ý người hỏi.

-        Nói gì thì nói, quan trọng gì.  Cuộc chiến tranh cứt đái này.

Ngạn thì im lặng.  Cái im lặng rất Huế.  Không phải cái Huế của đền đài lăng tẫm, mà là cái im lặng của bên trong những bất công và đàn áp những năm sáu tư sáu lăm.

Nhân đẩy ly rượu Thái bỏ dỡ về phía anh:

-        Hôm nào tôi lấy cái phép thường niên, cậu về Phan Thiết với tôi.  Quê tôi đẹp lắm.  Tôi sẽ giới thiệu với cậu cô em họ, rất tuyệt.

Rồi Nhân cười. Nụ cười hiền khô.  Nụ cười rất Phan Thiết, có dòng Cà Ty vắt qua lòng thành phố.  Hình như Diễm cũng có lần ngang qua Phan Thiết.  Nhân đã nói thế với niềm vui tỏa trên đôi mắt.  Và hình như trong lúc này cái tên Diễm đó vang lên trong lòng Nhân, âm vang đó làm tan mờ lớp bụi bẩn trên bộ quần áo màu ô liu, làm rạng lên niềm vui trên gương mặt sạm nắng của thời tiết khắc nghiệt vùng rừng núi Trung Việt.

Anh Hoàng Huy và Hoài nghiêng người lách vào khung cửa hẹp, đến ngồi vào chỗ cũ.

-        Thằng Thái đâu rồi?

Can gắn cái kính cận sáu diop lên mắt, cười vu vơ:

-        Hắn chuồn rồi.

Gương mặt Hoài hoàn toàn đổi khác, anh buồn rũ xuống như một cành lá úa.  Hình ảnh cái anh chàng kiêu bạc trên những vỉa hè Qui Nhơn sau những ngày hành quân sống chết như một trò chơi vùng Sa Huỳnh, Bồng Sơn, Tam Quan, Mộ Đức, sau những ngày ròng rã nắng lửa, giá buốt, ăn bụi ngủ bờ cùng sâu bọ muỗi mòng, và những âm thanh đi đứng không ngớt dội vào tim vào hồn của những người - lính - cầm súng - làm thơ - viết văn những tiếng thét hãi hùng và bi uất.  Bây giờ Hoài ngồi đó, chiếc mũ nồi vẫn nhét vào cầu vai áo, anh ngồi đó buồn rũ như một cành lá héo. Khẩu Colt 12 vẫn nằm lạnh trên bàn.
Ngạn vẫn im lặng hút thuốc, cái im lặng của dòng sóng ngầm nằm sâu dưới lòng sông Hương.

3

Mỗi người đều có một cái tên để nhớ, để thầm gọi, để nuôi những ước mơ, mà nếu có ai đó gọi ra những ước mơ đó nghe ra đều tội nghiệp.  Cái ước mơ quá nhỏ bé của một kiếp nhân sinh mà không bao giờ với tới được.  Nhưng dầu sao, trong những phút giây này, trong những năm tháng mòn mõi và bất an này, những cái tên đó được gọi lên nho nhỏ cũng sưởi ấm chút nào nỗi quạnh hiu trong lòng người và trong lòng đời.

Đôi khi, anh cũng chẳng hiểu tại sao, anh và bè bạn lại tập trung về cái thành phố nhỏ nhắn nằm ven bờ biển miền Trung, cái thành phố chẳng có gì thu hút những người như anh và bạn bè.
Ghềnh Ráng

Đã đôi lần anh về Ghềnh Ráng, nơi thi sĩ tài hoa bạc phận Hàn Mặc Tử gởi nhúm tro bụi đời mình.  Nhưng rồi anh ngậm ngùi, nhưng rồi anh đau lòng.  Mộ phần của một thiên tài, nơi an nghĩ của một bậc tài hoa mà sao nó hiu quạnh thế này, mà sao nó đơn sơ lạnh lùng thế này.  Anh đã đến đó một lần, với Ngọc, với chị Ngọc.  Vâng.  Chị Ngọc.  Anh vẫn thường gọi Ngọc là chị Ngọc.  Hai người ngồi bên mộ Hàn Mặc Tử ở Qui Nhơn mà nhớ Huế vô vàn, nhớ cầu Tràng Tiền nối hai bờ sông Hương như mái tóc thần thoại lượn lờ qua mặt nước và lặng im như một buổi chiều Thành Nội.

Anh đọc”Đây thôn Vỹ Dạ” cho Ngọc nghe, cho người dưới mộ nghe:

“Áo em trắng quá nhìn không ra”
Thôn Vỹ Dạ

Áo em trắng quá hay là em trắng quá?  Em là ai?  Có phải em?  Có phải Ngọc?  Hay chỉ là một gợn mây?  Hay chỉ là bóng-ma-mầu-nhiệm?  Hay là cái nguyên-sơ-trinh-bạch, cái hồn thi ca, cái tinh anh trời đất?  Nhưng.  Đầu tiên.  Sau cùng, đó là em.  Là cái đẹp.  Là Ngọc.  Là chị đó Ngọc ơi.

Qui Nhơn.  Phải rồi.  Qui Nhơn.  Nơi đây có cái gì níu kéo anh và bạn bè, sau những lần đối mặt với tử sinh, với đổ nát, với tang thương trong những vùng quê xơ xác, áo quần, da thịt ẩm mốc bốc mùi, tóc tai râu ria bờm xờm, chỉ còn một chốn quay về: những vĩa hè Qui Nhơn, những quán rượu, và căn nhà rêu mốc ở cuối đường Nguyễn Thái Học.  Không biết gọi nơi đây, nơi căn nhà này là gì cho đúng nghĩa.  Anh và bạn bè tụ tập nơi đây, mỗi người không biết nỗi rồi mình sẽ ra sao, sẽ về đâu, nhưng mà chuyện văn không bao giờ dứt.  Họ nói về chiến tranh. Họ nói về hòa bình. Họ nói về máu xương. Họ nói về đổ nát. Họ nói về thần thánh. Gọi tên người yêu. Và những cái tên Hương, Diễm, Phước, Cúc Hoa…họ viết lên tường với những câu thơ ngậm ngùi.  Những bản thảo viết trên bao thuốc lá, trên tờ lịch, trên những tờ giấy vàng ố nhặt ở đâu đó, nằm đầy trên sàng lẫn lộn với đống sách báo.  Nếu, anh nghĩ, có ai đó, nhồi sắp xếp, sưu tập, chắc sẽ ngạc nhiên và thú vị vô cùng: Một bảo tàng văn học đấy!

-        Tuần sau, tuần sau nghe – Nhân lại lên tiếng – Tui về, cậu đi Phan Thiết với tui.


Anh Hoàng Huy nhìn ra ngoài.  Trời đang rắc mưa.  Ánh điện vàng hiu, hắt qua khe cửa, anh vỗ vai Hoài đang ngồi rũ như một cành lá úa:

-        Đi uống cà phê thôi.

Hoài với tay lấy khẩu Colt nhét vào lưng.  Cả bọn đứng lên.  Con đường Nguyễn Thái Học vắng hoe.  Nếu không có vài cô gái thập thò ở đầu hẽm, một vài chàng lính Mỹ rú xe Jeep vù qua, mất hút, nếu không có họ, chắc con đường này và cả thành phố này sẽ vắng lặng vô cùng.

4

Quán Cà phê nhỏ nằm nơi góc đường Lê Lợi cũng là nơi, mỗi lần về phố Hoài và Nhân và các bạn đều ghé đến, thường là rất muộn, như hôm nay, chẳng hạn.  Nơi đây, nơi quán cà phê này, cô chủ quán, tuy nhan sắc đã thoáng chút tàn phai nhưng nét quyến rũ của nàng, vẫn, đôi khi, làm xao xuyến trái tim của khách phong trần.  Và nhất là cô có cái tên, gọi lên nghe buồn não nuột: Phù Dung.  

Ừ nhỉ, sao cô lại mang cái tên nghe buồn lắm vậy? Một cái tên báo trước gì đó mong manh, chóng tàn. Và phải chăng, cái tên của người nào là số phận của người đó.  Hình như Phù Dung cũng không tránh khỏi điều này.  Nghe đâu, nàng, tuy còn trẻ, mà đã sớm trở thành góa phụ rồi.  Chồng nàng hình như tử trận đâu ở chiến trường Quảng Trị khi hai người chưa kịp hưởng tuần trăng mật.  Mỗi lần đến đây, ngắm nhìn nàng, trong màu y phục đen tuyền, đôi mắt xa xôi, chưa bao giờ thấy nàng cười, Hoài đều nói cái điều mà anh đã nói hàng trăm lần:

-        Tôi sẽ không lấy vợ, các anh ạ.

Rồi Hoài thở dài:

-        May mà hai người này – Hoài chỉ Phù Dung – chưa có con.

Can triết lý:

-        Chiến tranh là vậy.

Bỗng Hoài đứng lên, tiến về phía quầy, nơi Phù Dung đang ngồi như một pho tượng, người góa phụ ngỡ ngàng, khẽ nhếch mép như muốn hỏi điều gì, nhưng nàng vẫn im lặng.  Hoài đến trước người góa phụ, rất nghiêm trang, anh đưa tay chào đúng tư cách một quân nhân, anh nói, giọng thật xúc động:

-        Tôi, thay mặt bạn bè tôi đang ngồi đây, bạn bè tôi còn trong rừng, trong bản làng xa xôi, xin thay mặt họ, cám ơn chị, cám ơn chị.

Người góa phụ lúc đầu ngơ ngác, nhưng rồi chị chợt hiểu, chợt nhận ra nỗi đau buồn chân thật trên đôi mắt cận của người lính đang đứng trước nàng, nước mắt nàng ứa ra nặng nề, nàng chồm người về phía trước giang hai tay ôm ngang vai Hoài và chị hôn vào đôi kính cận của anh.

Mọi người trong quán tự động đều đứng lên, lặng yên như một phút mặc niệm.

Hoài về lại chỗ ngồi. Đôi mắt kính của anh vẫn còn đọng hai giọt lệ của người góa phụ.

***


Càng về khuya phố xá càng vắng vẻ.  Mưa nhẹ và buồn.  xa xa vọng về vài tiếng nổ lẻ loi.  Bầu trời đêm thỉnh thoảng chập chờn ánh hỏa châu sáng lên một lát rồi chìm trong màn mưa ẩm đục.  Trong đêm vắng lặng đó, bóng người lầm lủi bước đi, mỗi người một tâm trạng, chẳng ai nói với ai câu nào nữa.  Mỗi người trở về với nỗi cô đơn của mình. Mỗi người trở về với cuộc tìm kiếm của mình trong ký ức xa xôi. Ngày mai Hoài và Nhân sẽ trở lại đơn vị, trở về những nơi chốn mà số phận của họ bị treo lơ lửng cùng số phận của quê hương.  Họ tiếp tục ăn bụi ở bờ, tiếp tục bò trườn như rắn rít trong đêm tối, họ trở về với nơi giáp mặt tử thần, để dầu muốn dầu không, cũng phải bắn, phải nả súng vào kẻ đối diện.  Không nhân danh điều gì. Cả dân tộc này đều phải như vậy.  Cả loài người đều phải như vậy.  Như một định mệnh.  Như một quy luật.  Cho dù định mệnh đó, quy luật đó khắc nghiệt như thế nào.  Cuộc chiến tranh gây ra tai họa cho cả loài người, cho cả muôn thú, cho cả cây cối, cho cả sông ngòi và đại dương, cái ung độc của nó làm lỡ loét cả tâm hồn con người, làm ô uế cả khí trời.  Cuộc chiến đó chỉ làm thỏa mãn cho vài quái nhân mắc chứng bịnh điên cuồng bẩm sinh, làm thỏa lòng kiêu ngạo phi nhân tính, giẫm đạp lên những giá trị thiêng liêng nhất của con người.  Tiêu biểu cho quái thai lịch sử đó là Tần Thủy Hoàng, là Hitler, là Pônpôt, là cái ngài đại tá Buêynduê mà Samuel Becket hư cấu nên trong “Trăm năm cô đơn”, là nhân vật Boris trong “Lối thoát cuối cùng”. Họ đấy. Họ là tai hoạ của nhân loại.

Và trong lúc này đây, trong lúc mà lòng anh trĩu nặng, u uất, đang bước đi trong đêm tối, cùng những bạn bè, trong nỗi trầm lắng của trời đêm, những bước chân muộn phiền.

Anh cố gọi tên nàng, trong sâu lắng lòng mình, anh đang cố gọi tên nàng, và tiếng gọi bung ra mấp máy nơi môi nhẹ như nụ hôn của người góa phụ lên đôi kính cận của Hoài.  Anh thấy nhè nhẹ trong lòng, vơi vơi nỗi nặng nề. Ôi cái tên của người yêu dấu! Nào Hương. Nào Diễm. Nào Phước. Nào Cúc Hoa. Hãy gọi tên người yêu dấu đi các anh. Như anh bây giờ đang gọi tên nàng trong âm vang của sóng biển mùa đông Qui Nhơn: Lý Minh Thơ. Ngọc ơi! Chị Ngọc ơi! Lý Minh Thơ! Nàng không biết anh là ai, nàng chẳng bao giờ biết được rằng trong cõi đời này có một người, đến bây giờ, mỗi khi sầu não, lại gọi tên nàng, đọc tên nàng như đọc lời cầu nguyện. Cả chị nữa, chị Ngọc ơi. Chị buồn như góa phụ Phù Dung, chị có gọi tên ai, tha thiết gọi tên ai, để, gần như được vỗ về, được ủi an.

 Năm người trở về căn nhà bằng hữu đó, các anh thường gọi cái hang cư ngụ của mình là “căn nhà bằng hữu” - friend house - , họ bước vào, thì, thật ngạc nhiên, Diễm và Hương đang ở đó.


-        Các anh đi đâu mà bọn em chờ cả mấy tiếng đồng hồ rồi. Giọng Huế của Diễm nhẹ như một hơi đàn. Hương nắm tay Hoài:

-        Anh biết không? Minh Thơ bị bắt rồi.

Anh nghe một luồng khí lạnh chạy qua người anh, đóng băng trên não:

-        Chị Hương bảo sao? Anh hỏi mà không biết có nghe nỗi câu trả lời không.

-        Sáng nay, thật sớm - Diễm vừa cầm tay Nhân vừa run - Cảnh sát chạy xe tới, có còi hụ, vào trường, súng lăm lăm trên tay. Ôi em sợ quá.

Hương chen vào:

-        Họ đọc lệnh bắt Minh Thơ, Lý Minh Thơ ấy. Họ lục tung cả nội trú, nhất là phòng tụi em, bọn em ở chung với Minh Thơ. Họ thu hết sách vở, giấy tờ của Minh Thơ rồi đưa lên xe bít bùng hú còi chạy đi.

Diễm rưng rưng:

-        Không biết răng mà báo tin cho má Thơ.

Anh bàng hoàng:

-        Họ có nói lý do gì bắt cô ấy không?

-        Không.  -Diễm nói- không ai tiếp xúc với họ, ngoài thầy hiệu trưởng.

Hương bóp mạnh tay Hoài:

-        Răng chừ anh?

-        Chờ đợi thôi, em ạ. Anh nghĩ cô ấy không sao đâu.

Hoài nói, dĩ nhiên để trấn an Hương và Diễm, cũng như để tự trấn an mình. Anh hỏi Hương:

-        Em có rõ gia đình cô ấy không?

-        Thơ chỉ có một mình. Không anh chị em. Má Thơ chỉ có mình Thơ. Hỏi về ba thì Thơ không nói. Mọi  người đoán đoán hình như ba Thơ theo bên kia.

Can im lặng nãy giờ, đi tới đi lui, lấy cái kính ra khỏi mắt, gõ gõ cái kính cận vào trán, buông một câu:

-        Cuộc chiến tranh cứt đái này.

Anh nhớ ra rồi, vào cái buổi chiều hôm đó, và những chiều hôm sau, anh đứng trên balcon chờ nàng đi ngang qua, nhưng từ chiều đó, không thấy bóng dáng nàng, người con gái có cái tên hay hay, có cái vẻ bề ngoài mê hoặc anh, quyến rũ anh, bây giờ, nàng thở thành nạn nhân của cuộc chiến này, nạn nhân tình nguyện hay nạn nhân bị cưỡng bức, cũng vậy thôi. Tuổi trẻ của nàng đã bị đánh lừa, bị âm mưu đánh lừa, bị những cái nhân danh đánh lừa. Cả bạn bè của nàng, cả anh em của nàng, cả ba mẹ của nàng, đều đã bị đánh lừa, dù ở bên này, dù ở bên kia. Nàng có thấy điều đó hay không thấy điều đó, cũng vậy thôi, không chọn lựa khác được.

Cũng như Hoài và Nhân, cũng như bạn bè anh, không thể tự lơ lững một mình giữa khoảng không, phải rơi vào một cái hố, cái hố này hay cái hố kia. Và thế là đối đầu nhau, chỉa họng súng vào nhau, và hận thù nhau. Và đó là chiến tranh. Và đó là mục đích sau cùng của những học thuyết, của những chủ nghĩa.

Và cũng như Hoài và Nhân, như bạn bè anh, trong lạc loài và cô đơn cùng tận, trong đau xót và bất an triền miên, trong hiểm nguy bủa vây trùng trùng, réo gọi tên người yêu dấu như thứ bùa chú giải cứu, như một ân huệ sau cùng, như lời khấn nguyện, dù biết rằng rồi ra chẳng còn gì, chẳng còn gì, tất cả, chẳng tồn tại.

Phải không Hương? Phải không Diễm? Phải không Phước? Phải không Cúc Hoa? Phải không Ngọc? Phải không chị Ngọc?  Phải không Phù Dung Và phải không Lý Minh Thơ!

LÊ NAM PHƯƠNG (LÊ VĂN TRUNG)


(Viết để tặng các nhà văn Trần Hoài Thư,
                           nhà văn  Phạm Văn Nhàn,
                           nhà thơ Phạm Cao Hoàng)

No comments:

Post a Comment