Saturday, January 25, 2020

Truyện ngắn: Bàn Chân Gửi Lại - Lê Nam Phương (thi sĩ Lê Văn Trung)


BÀN CHÂN GỬI LẠI

LÊ NAM PHƯƠNG (thi sĩ LÊ VĂN TRUNG)



-        Thiếu úy! Thiếu úy! Em nghĩ chắc vùng này đây.

-        Tui xin ông, đừng có một thiếu úy hai thiếu úy.  Bây giờ tui là công dân hạng ba.  Ông có biết toa tàu hạng ba không?  Người nhốt chung với súc vật.  Thế đó.

Quay về phía Nga, Sang hỏi:

-        Em mệt chưa?  Nàng đang đứng tựa vào một gốc cây khô, dùng tay gạt gạt mồ hôi trên trán.  Nàng mỉm cười, vừa nói vừa nhìn sâu vào cánh rừng.

-        Anh Tùy đừng gọi ảnh là thiếu úy nữa, phải gọi là ngài Đại tướng, phải không anh?

Sang thầm nghĩ trong đầu:  Ừ nhỉ, ngày xưa anh thường nói đùa với Nga là chắc phải lên đến Đại tướng thì cuộc chiến tranh này mới chấm dứt.  Nhưng mới mang cái hàm thiếu úy chưa ấm ngực thì người anh em thân mến nào đó ở bên kia đã dành cho anh một trái mìn.  Trái mìn oan nghiệt đó đã giữ lại của anh bàn chân phải.  Cám ơn người anh em vô danh nào đó.  Cám ơn nhà thiên tài nào đó đã sáng chế ra quả mìn.  Anh giải ngũ với tỉ lệ thương tật 75%.  Nga khóc một tuần.  Anh nốc bia một tháng.  Dm!  Thế là ấm đời nghe con.  Từ nay không còn chui nhủi từng đêm từng ngày trong rừng sâu, trong làng mạc hẻo lánh, không còn sợ người anh em thương mến nào đó giương súng nhắm vào ngực anh, nơi trái tim anh đang đập, nơi cất giấu đôi mắt của Nga.  Ô hô! Thế là tao nghĩ chơi nghe tụi bây.  Hãy cố mà chơi cho hết mình nghe các con.  Hỡi thằng Thi, thằng Kiếu, thằng Thao.  Hãy tập làm người máu lạnh.  Bắn không thương xót.  Càng nhiều đứa chết tụi mày càng mau lên tướng.  Hãy ngủ với muỗi rừng.  Ngày mai về ngủ trên nệm êm.  Caravel Continental.  Hãy cố uống nước bùn có mùi nước đái trâu. Ngày mai về nốc Whisky.  Hãy ôm xác bạn bè mà ngủ qua đêm vì trực thăng tải thương không tải kịp.  Mai về tha hồ ôm mấy em, từ loại 10 đô la đến 100 đô la.  Ô hô.   Tao nghĩ chơi rồi.  Từ giã tụi mày.  Giã từ núi rừng Trung Việt.  Giã từ giày trận, nón sắt.  Giã từ bản làng xơ xác.  Giã từ xác chết.  Giã từ ngày khát cháy khô, đêm lạnh cóng bầm tím thịt da.  Giã từ.  Giã từ.  Tao sẽ về ngồi trong ngôi từ đường của dòng họ, ngôi từ đường mà đạn pháo làm tung mất một mái.  Ông bà tổ tiên không được ngồi yên trên bàn thờ, vung vãi bài vị các ngài.  Tao sẽ về trong ngôi từ đường, nhặt từng mảnh gỗ có khắc những dòng chữ mà tao không thể đọc được, nhưng với tao đó là những dòng bí nhiệm.  Tao sẽ khám phá theo cách của tao, sẽ trò chuyện với các ngài theo cách của tao.  Hãy vui lên đi nghe các con.  Tao đếch cần tụi mày thương hại.  Mà tụi mày phải mừng cho tao chứ.  Tao bây giờ buổi sáng nốc bia.  Buổi trưa nốc bia.  Buổi tối nốc bia.  Có người yêu ôm trong tay.  Có người yêu làm tình làm tội.  Có người yêu đẩy xe lăn đi khắp phố phường.

Hãy bắn giết thật nhiều mà lên tướng.  Tự do nô lệ cái con khỉ khô!  Đứa nào cũng ra rả, tao nghe mà lợm giọng.

-        Anh nhớ tới ai mà xa xôi thế?

Nga dịu dàng đến bên anh, ấn vai anh ngồi xuống bên cạnh.  Nàng mở xắc lấy chai nước.

-        Anh Tùy uống nước đã.

Tùy đến bên một lùm cây còn ít cành xanh, ngồi xuống đó.  Buổi trưa thinh lặng.  Cây rừng thưa thớt và khô. Vài con chim thảng thốt bay lên kêu những tiếng kêu buồn rười rượi.

-        Chị với ông Sang uống đi, tui không khát.  Ông Sang nè, ông phải cảm ơn cái thằng nào đó gài trái mìn cho ông giẫm lên, chỉ xin của ông có một bàn chân.  Nếu không có quả mìn đó ông đã banh ngực vì một thằng kia ngay sau đó rồi.

-        Thì tui đã nói mà, vô cùng cảm ơn trái mìn ân huệ, vô cùng cảm ơn người anh em nào đó.  Tui càng cảm ơn trời đất nữa.  Ngày đó mà tôi xanh cỏ rồi thì bây giờ Nga đã tay bồng tay bế với một thằng nào đó trong đám bạn của tôi.  Phải không em?

Nga trừng mắt nhìn Sang:

-        Dĩ nhiên! Không biết chừng lại có vài chú nhóc đen như than hầm, bây giờ Nga đã tót sang Mỹ rồi, chứ đâu có lầm lủi theo cái anh chàng thương binh cụt giò này đâu.

Sang bỗng cười ha hả.

-        Ông nghe không?  Ấy, đời nó là thế.  Mà em cũng phải cảm tạ đất trời nghe.  May mà còn có anh để lầm lủi đi theo.  Chứ không thì cũng có nước đi bán bia ôm thôi.

Nga cấu nhẹ vào vai Sang:

-        Ừ nhỉ, biết đâu đấy.

Tùy đưa mắt nhìn khắp khu rừng:

-        Ông nhận ra vùng này chưa?  Hình như ông bị nơi kia kìa, gần cái mô đá tổ ong đó.  Rồi!  Đúng rồi!

Như sực nhớ ra điều gì, Tùy bước đến bên Sang trong khi Nga dùng cành cây quạt quạt cho mát.

-        Ông có nhớ trước khi trực thăng bốc ông đi, ông nói gì với tôi không?

-        Nhớ chứ.

Tùy quay về phía Nga đang mở to mắt chú ý nghe.

-        Chị biết không?  Lúc ấy bàn chân anh ấy đứt lìa, máu ra nhiều lắm, người anh ấy xanh mét, nhưng vẫn còn tỉnh táo.  Ảnh nắm tay em và dặn: “Tùy nhớ chôn dùm cái bàn chân của mình.  Đừng để dòi bọ nó gặm nhấm, mình đau lắm.  Nhớ giúp mình.  Mình sợ lắm!”
Lúc ấy em thấy buồn cười lắm nhưng cũng phải làm theo ý của anh Sang.  Và em đã chôn cẩn thận.  Sau này mỗi lần về phép em đều đến thăm anh Sang, lúc đó em cũng đã gặp chị rồi.  Lúc nào ảnh cũng hỏi đã thật chôn cái bàn chân chưa.

Ngừng một lát Tùy tiếp:

-        Thật ra thì em đã chôn rất cẩn thận, lại còn lấy một mảnh mìn chôn theo, và đúng là em chôn ngay mô đá tổ ong đó.  Đúng rồi.

Tùy mở ba lô lấy ra một cái xẻng cá nhân, loại xẻng trước kia quân đội Cộng Hòa dùng để đào hố cá nhân, anh nôn nao định bắt tay vào việc đào bới ngay nhưng Sang ngăn lại:

-        Khoan đã.  Chúng ta nghĩ ngơi và ăn cái gì đi.

Quay sang Nga anh nói:

-        Em trải tấm ni lông dưới bóng mát lùm cây kia, anh sẽ mang túi xách tới.

Nga ngoan ngoãn làm theo, nhưng chân tay chị bỗng run run.  Một cảm giác ớn lạnh chạy khắp người chị.  Một người đi đào bới tìm kiếm chính một phần xương thịt của mình.  Thật kinh khủng và bi thảm. Lại nữa, phần xương thịt đó mất đi mà được xem như là một may mắn, một sự may mắn làm chảy nước mắt.  Mỉa may thay!

Vừa bày thức ăn ra tấm ni lông.  Sang nhìn Nga:

-        Anh không hiểu em nghĩ thế nào về việc này, nhưng với anh, anh thấy cần thiết vô cùng.  Anh không thể mang cái ý nghĩ làm một con ma què cụt.  Bàn chân của anh, anh phải đem về, sau này nếu phải đến lúc vĩnh biệt cõi trần gian, nó sẽ được nằm chung với xác thịt của anh trong một nấm mồ, anh mới an tâm.  Dù khi sống, anh là một người què cụt, nhưng khi chết đi anh không thể làm con ma què cụt được.  Làm người chưa trọn vẹn thì cố làm con ma cho trọn vẹn.

-        Anh nói chi nghe mà buồn quá.

-        Thiếu úy, à, anh Sang, khi anh nằm quân y viện có một ông chuẩn úy mới ra trường bổ sung, thay anh, anh biết sao không? Cầm quân chưa được một tuần, lãnh ngay quả B 40.  Tụi tôi phải trải tấm poncho ra nhặt từng mẫu thịt, xương, vung vãi khắp nơi, gom lại cũng gần đủ.  Chỉ thiếu một cái chân.  Nguyên một cái chân.  Lạ thật.  Chuẩn úy Hải.  Anh biết ông này không?  Trẻ măng.

-        Không.  Nhưng không tìm thấy cái chân thật à?

-        Thật.  Gia đình thân nhân không biết.  Họ chỉ nhận được chiếc quan tài đã phủ cờ và hoa.

Sang thở dài.

-        Tội nghiệp.  Vậy là anh ta phải làm một con ma què cụt. Sao không kiếm cho anh ta một cái chân giả?

Nga xen vào.

-        Anh kỳ thiệt.  Ai lại đi lắp cái chân giả cho một xác chết.

-        Ừ nhỉ. Ai lại đi lắp cái chân giả cho một xác chết.

Rồi anh nói như nói với chính mình.

-        Chắc tôi phải tìm cho anh một cái chân, anh bạn ạ.

***

Vài ba người phụ nữ đi nhặt củi khô, theo đường mòn từ trong rừng đi ra, ngang qua chỗ ba người lạ đang ngồi, họ cũng dừng lại, đặt bó củi ở trên đầu xuống, dùng cái nón cời quạt quạt và tò mò nhìn. Một người trong họ trông còn trẻ lắm, nhìn cái xuổng và thức ăn bày trên tấm ni lông, rồi nhìn Nga chị hỏi:

-        Chị và hai anh đây ở đâu tới phải không?

Sang nhanh miệng đáp:

-        Vâng.

-        Vùng này ít người qua lại – Người phụ nữ trẻ nói tiếp – quanh đây mìn nhiều lắm.  Mới tháng trước đây có một người bị mìn đấy.  Dưới kia kìa – Chị đưa tay chỉ về cuối cụm gai mắc cở cách chỗ ba người ngồi chừng trăm mét.

Người phụ nữ lớn tuổi hơn ra vẻ biết rõ khu này, nói:

-        Chúng tôi ở đây chỉ đi trên những lối mòn, tránh những chỗ khả nghi có đánh dấu bằng những hòn đá.  Nhưng cũng may may rủi rủi.  Vô phúc thì: “Ầm!”   Xong!

Nga lấy nước mời ba người phụ nữ, họ từ chối.  Người phụ nữ trẻ nói:

-        Chúng tôi có đủ nước rồi.  Anh chị cẩn thận đó.  Tụi tôi về.

-        Các chị về.

Ba người đi nhặt củi vừa khuất, Nga lên tiếng trước:

-        Trời ơi, em sợ lắm.  Đi tìm bàn chân của anh, biết có chưa, chưa biết chẳng may để lại thêm cái nữa…

Sang trấn an:

-        Không có gì đâu.  Bây giờ ăn xong, em ngồi đây.  Anh với anh Tùy đến đào thử chỗ mô đá tổ ông kia.  Nếu không có thì chúng ta về.  Anh đành làm con ma què cụt vậy.

-        Anh Sang à.  Tùy nói, thời buổi này tôi thấy nhiều người què cụt lắm.  Què cụt chân tay đã đành, khối thằng què cụt cả cái đầu.  Ấy thế mà chúng vẫn sống phè phởn đấy.

-        Ừ nhỉ.  Cái đầu què cụt mà vẫn sống.  Hay thật.  Em có nhìn thấy anh bị què cụt cái đầu không?  Nga?

Nga tư lự:

-        Một cái đầu què cụt, gắn thêm một thân thể què cụt.  Nó giống cái con gì nhỉ?

-        Một con người đấy chị Nga à.  Không ai phủ nhận đó là một con người.  Thế giới ngày nay xuất hiện nhiều con người như vậy.  Anh Sang nghĩ mà xem.  Từ Washington đến Moscow, từ Iran đến Iraq.  Ôi thôi!  Chúa phải ra tay thôi!  Cái con người của Ngài không vẹn nguyên hình hài ban đầu rồi!

-        Em thấy nó lộ tùng phèo lên anh à.  Đôi khi nằm mơ thấy mình mọc cái đuôi, lông lá đầy người.  Hay là đến cái thời kỳ chúng ta trở lại con đười ươi như ông triết gia nào đó đã đưa ra cái thuyết biến hóa gì đó.

Sang nhìn Nga đùa:

-        Như vậy em vừa công bố thuyết “lùi hóa” rồi đấy.

-        Thôi.  Tiến hay lùi gì cũng được, chúng ta ăn trưa đi.  Tôi đói lắm rồi – Tùy nói.

Ba người ngồi quanh tấm ni lông dưới cái nắng trưa đã bắt đầu dịu lại để thời gian chảy vào buổi chiều.  Nga cắt từng khoanh bánh mì và kẹp thịt đưa cho từng người.  Sang cầm miếng bánh mì đưa lên mũi ngửi, rồi cắn một miếng, anh nói:

-        Tôi phục ông tác giả “Cái chuồng khỉ”.  Hồi năm 67, 68 gì đó, tôi nghe nói về Blao thăm anh ấy. Một hôm, cùng vợ chồng anh ngồi ăn bánh mì, như chúng ta hôm nay.  Thế là anh ấy nói về bánh mì.  Tận ngọn nguồn.  Qua từng thời kỳ.  Chi tiết.  Rõ ràng.  Có dẫn chứng.  Tuyệt.  Một cái đầu siêu phàm.  Bánh mì chỉ là một đề thi nhỏ thôi đấy.  Anh ấy đi từ Hienghène, Karl Marx, Sartre, Chúa Trời, Thích Ca … Nhưng con người kỳ dị đó chẳng công nhận ai cả.  Thiên hạ nhìn anh thấy anh có một cái đầu què quặt.  Nhưng để tìm một cái đầu như thế cũng khó lắm đấy.

Nga nhìn Sang:

-        Anh ăn đi.  Nói hoài không biết chán. Còn phải đào bới tìm cái bàn chân của anh nữa chứ.

Tùy nói:

-        Ăn xong, hai người ngồi đó mà mơ mộng.  Để tôi đào.  Nghe người phụ nữ khi trưa nói chưa?  Đừng có mà đi lang thang.

-         Không.  Tôi đi với ông.  Em ngồi đây, cố chợp mắt một tí – Sang nhìn Nga âu yếm – Em lận đận với anh nhiều rồi.  Đừng để anh phải ngồi mà khóc em.  Chúng ta sẽ cố xong việc, về sớm để còn nhìn cho rõ đường mòn mà đi.  Ra tới đường cái cũng mất vài tiếng chứ không ít.

Nga nguýt Sang một cái rỏ dải:

-        Anh mà cũng biết khóc à?  Gớm! Nghe mà cảm động.  Thôi em chết cho rồi để còn được nghe anh khóc.  Ôi chao!  Cái thời buổi này sao em thấy tìm một giọt nước mắt cho tình yêu khó quá.  Anh Tùy có bao giờ khóc cho tình yêu chưa chứ anh Sang nói em nghi ngờ quá.

-        Nói thật với chị, nước mắt của loài người đã khô cạn lâu rồi.  Mấy mươi năm chiến tranh dằng dặc, con người đã khóc triền miên qua bao đổ nát.  Người ta khóc lúc mặt trời vừa mọc ngoài ruộng đồng.  Người ta khóc lúc hoàng hôn khi chưa kịp ăn bữa cơm chiều.  Người ta khóc trên nền nhà cháy rụi.  Người ta khóc dọc đường tản cư.  Người ta khóc trên rừng.  Người ta khóc dưới biển.  Khóc người thân, bạn bè.  Khóc trước kẻ thù.  Ôi nước mắt loài người đã tuôn cạn lâu rồi.  Tuổi trẻ chúng ta đâu có khoảnh khắc nào yêu đương. Mà có đi nữa thì nước mắt cũng khô cạn rồi chị ạ.

-        Anh nói chi nghe mà rầu thúi ruột.

Nga trầm ngâm, nhìn Sang rồi nhìn xuống ngực mình nơi hai bầu vú của nàng đang rung lên thổn thức như ngầm nói với trái tim nàng:  Không!  Vẫn còn có TRÁI TIM.  Trái tim con người.  Trái tim nhân loại.  Không thể khô cằn như thế.


Nga ngồi buồn rười rượi.  Hai người đàn ông mang dụng cụ đi về phía mô đá tổ ong cách đó non trăm mét.  Nàng nói vói theo:

-        Đi cẩn thận nghe hai anh.  Nhìn kỹ chỗ nào có dấu mòn mà đi.

Sang quay lại:

-        Cảm ơn em.  Đừng căng thẳng quá như thế.  “Anh không chết đâu em”.

Sang vừa hát vừa khập khiễng bước theo Tùy.  Mặt trời đã dịu hẳn.  Tùy đến bên mô đá tổ ong, xác định lại vị trí.  Dấu vết hơn ngần ấy năm vẫn chưa bị thời gian làm thay đổi nhiều.  Chỉ có mô đá tổ ong hình như nhô cao hơn.  Có lẽ do đất bị xói mòn.

-        Thấy có gì lạ không anh Tùy?  Anh có ngại gì không?  Hay để tôi đào cho. Anh đến chỗ Nga ngồi nghĩ đi. Lỡ có nổ thì một người lãnh.  Dại gì mà hai thằng cùng lãnh.

Sang tần ngần nhìn Tùy và nói thế nhưng Tùy cương quyết:

-        Không có gì đâu, thiếu úy, à, anh Sang à. Chẳng lẽ mìn rãi trên từng phân vuông sao? Tôi chỉ nghe người ta nói đi tìm xác đồng đội, thân nhân chứ chưa bao giờ nghe người ta nói về một người đi tìm chính thịt xương của mình, như ông, ông Sang à.

-        Anh Tùy biết không, tôi thường nằm mơ thấy mẹ tôi, bà nói với tôi: “Con có cái bàn chân giống bàn chân bố con lắm!”  Rồi bà khóc.  Tỉnh giấc, tôi co chân lên sờ vào cái chân bị cụt, và không thể nào ngủ lại được.


Trầm ngâm một lát rồi anh tiếp:

-        Mẹ kiếp, vào cái lúc mà trên sống dưới chết, vào cái thời con người luôn đi trong bóng đêm của thần chết, cụt mất cái chân để được ra khỏi bóng đêm đó.  Mẹ kiếp, lúc đó tưởng mình may mắn.  Mình lại cảm tạ đất trời, cảm ơn cái thằng ôn dịch nào đó đã gài trái mìn.  Để rồi bây giờ đi đứng trong thế giới của những con vượn hai chân này mình lại thấy khổ sở.  Thôi thì, như tôi đã từng nói với ông: ĐÃ LÀM MỘT NGƯỜI CHƯA TRỌN VẸN THÌ CỐ MÀ LÀM CHO TRỌN VẸN MỘT CON MA, đừng làm một con ma què cụt.


Tùy cặm cụi đào.  Bỗng anh la lên:

-        A! Đây rồi! Còn đây ông Sang ơi.  Tôi thấy nó rồi.

Sang vội vồ tới, chụp cái xẻng nơi tay Tùy:

-        Để tôi.  Để tôi.

Rồi anh bỏ cái xẻng sang bên.

-        Không được, phải dùng tay mà bới.

Anh dùng mười ngón tay của mình bới từng bụm đất nhỏ, từ từ, thong thả, nhè nhẹ, như sợ kinh động xương cốt người chết.  Hai ngón tay anh chạm phải mảnh thép, chảy máu, máu nhỏ xuống trộn vào lớp đất nâu đen có phần xương thịt anh tan hòa trong đó. Anh nhón tay lấy mảnh thép lên, vài lóng xương ngón chân vướng theo màu vàng đục.  Tùy đưa anh mảnh vải đỏ đã cẩn thận mang theo.  Anh trải mảnh vải lên mặt đất, nhặt từng mảnh xương, đặt cẩn thận lên đó.

-        Mẹ ơi đây là xương thịt của con.

Anh đưa một lóng xương nhỏ cuối cùng lên hôn, cẩn thận gói toàn bộ xương bàn chân lại, bọc thêm một lớp giấy báo rồi bỏ vào một túi ni lông.  Anh ôm nó vào người, ngồi nhìn về phía Nga, nàng cũng đang gióng mắt về phía hai người.

Sang nghe tim mình nhói đau và nhịp yếu ớt, như bao nỗi bi thương dồn về làm trương những mạch máu, dồn nén, ứ đọng, cơ hồ sắp bung vỡ ra, những giây thần kinh nơi chóp cái bàn chân cụt giật giật nôn nao niềm khao khát được nối liền với bàn chân đã mất.

Thế là về với ta hỡi xương thịt của ta, về với ta hỡi một phần cơ thể của ta, một phần nhỏ bé nhưng lớn lao vô cùng, nó đã giúp ta đi đứng đàng hoàng những bước đi của con người.  Sang chợt nhớ tới một người bạn đã không may mắn như anh: Mai Đình Hanh! Tao vẫn còn may mắn hơn mày hỡi Mai Đình Hanh.  Hai mươi tuổi mày đã bỏ cả hai chân nát bấy bầy nhầy nơi cánh rừng nào đó của miền Thượng du Trung Việt.  Bây giờ tao biết mày vẫn còn sống, sống cơ cực và bi đát ở một vùng quê nào đó.  Mày không còn đủ hai chân để đi về cõi chết.  Mày bò lê trên mặt đất như một con thú già nua bệnh tật không nhớ nỗi tên mình, không biết mình là ai thì làm sao biết còn có con người trên trần gian này.  Tao may mắn hơn mày bởi vì tao vẫn còn cà thọt trên nạng gỗ, tao vẫn tìm thấy xương thịt tao cho dù đã mục rã.  Tao chưa hy sinh cho ai, nhưng mày, mày đã hy sinh cho ai?  Tuổi thanh xuân và máu thịt thanh xuân.  Bắn bỏ mẹ nó đi bọn đầu cơ chính trị, bọn đầu cơ chiến tranh.  Bọn ra rã nhân danh tự do, công bằng nhân ái.  Bây giờ mày bỏ đi như một con thú già bệnh tật có đứa nào đứng cúi đầu trước mày gắn cho cái chiến thương bội tinh và cho mày mấy đồng trợ cấp?  Mẹ kiếp! Tao đếch cần! Cũng chỉ là trò đểu!


Ba người lần theo con đường mòn xuyên qua mấy đám cỏ dại tới những vạc ruộng mùa này đã khô và nứt nẻ.  Chạy dọc theo mấy đám ruộng là con đường rãi đá, con dường giao thông chính dẫn tới quốc lộ I.  Hai bên nhà cửa thưa thớt lụp xụp, mái lợp tranh thấp lè tè.  Con người ở đây lầm lì, cặm cụi làm việc, chẳng ai quan tâm tới ba người khách lạ vừa đi vừa quan sát họ.  Một vài đứa nhỏ, quần cộc, ở trần, da đen nâu, ngồi vắt vẻo trên lưng trâu im lặng chăm chú nhìn một cánh diều bằng giấy đang lơ lững cô độc trên cao.

Sang bước từng bước gập ghềnh, hai chân không cân đối nên dáng đi của anh nghiêng nghiêng và hơi đổ về phía trước.  Nga ái ngại:

-        Anh ổn chứ?

-        Được, không sao.  Đi đứng trong đời bằng cái chân giả thì phải cố làm ra vẻ cho nó không giả.

-        Sao lại phải rắc rối vậy ông Sang?  Tùy nói.  Ông đang bước đi bằng cái chân giả nhưng là những bước đi rất thật của cuộc đời còn lại.

-        Anh Sang thì lúc nào cũng cay đắng thế.  Ngày xưa em yêu anh thế nào thì bây giờ vẫn thế. Không ai nhìn anh khác đâu.

-        Có thể.  Có thể không ai nhìn anh khác đi.  Nhưng anh?  Anh nhìn quá rõ mình đã khác đi rất nhiều, em ạ. Thí dụ thế này nhá.  Khi anh lên giường với em, vâng, thì không thể nào lại mang theo cái bàn chân giả.  Và em, em có thấy hứng thú không khi thấy cái mỏm chân cụt của anh đang ngo ngoe như cái đầu của một quái vật kỳ dị.


Nga chùng xuống:

-        Thôi anh đừng nói nữa, anh cứ mãi khổ sở thế này thì làm sao mà sống.  Mà bây giờ anh cũng đạt cái tâm nguyện của anh rồi, và bên anh lúc nào cũng có em, có bạn bè.

Sang đọc lẩm bẩm: “May mà có em đời còn dễ thương”.  Ôi Vũ Hữu Định, mày đã nói thế sao mày bỏ đi?  Đời còn dễ thương quá sao mày bỏ đi?  Nga ơi!  Bạn bè ta ơi! Ta đang bước đi khập khiễng bên các người.  Bàn chân ta què cụt hay tâm hồn ta què cụt?  Nhân danh điều gì để ngợi ca một con người què cụt đã hy sinh vì những tham vọng của những quái thai lịch sử.

-        Anh Sang ơi.

Nghe tiếng Tùy, Sang quay lại, không đợi Tùy hỏi điều gì, anh nói: “Chúng ta đón xe về Cẫm Hải chiều nay, trước để anh và Nga thăm mộ má tôi, và tôi gởi bàn chân này lại cho má giữ hộ.  Quay về thành phố vẫn kịp, đừng lo.


Đó không phải là một nghĩa trang rộng lớn, chỉ là một khu đất lồi lõm lỗ chỗ những gò và hố.  Mồ mã cũng không nhiều và chôn cất bình thường, không xây gạch đá như những nghĩa trang lớn, thường chỉ đắp một mô đất và có đặt một tấm bia ghi rõ họ tên, ngày sinh, ngày chết của người quá cố.  Một khu chôn cất như bao khu chôn cất của làng xã Việt Nam từ bao đời nay.  Mồ mã chen lẫn với vườn cây, ruộng rẫy, đôi khi nằm ngay sau nhà.  Người sống và người chết không muốn xa nhau.  Dù người chết đã vĩnh viễn về cõi bên kia, nhưng trong lòng người còn lại vẫn cảm nhận họ còn ở đâu đó trong từng ngóc ngách của ngôi nhà.  Họ còn ở đâu đó ngắm, dõi theo đời sống của cháu con.  Và người còn sống nghĩ rằng họ sẽ được người chết phù hộ độ trì, bởi vậy họ càng ăn ở theo đạo lý nhân đức.  Họ không bao giờ quên những ngày giỗ kỵ.  Sang không biết má anh có biết anh luôn thương nhớ bà, niềm thương nhớ vô bờ đó đã giúp anh bước đi những bước khập khiễng trong quãng đời còn lại của mình bình an hơn.

Anh tìm thấy mộ mẹ mình nhanh chóng, bởi anh rất thường về đây đốt nhang cho bà.  Sau khi thắp nhang khấn lạy trước mộ, anh bảo Tùy đưa cái xẻng và tự tay đào một cái hố nhỏ bên cạnh phần mộ của mẹ, hơi dịch về phía dưới một chút.

Không tháo cái bọc ra, anh cẩn thận đặt bọc vào cái hố con rồi lấp đất lại.  Xong anh nhờ Tùy khiêng một tảng đá gần đó đặt đè lên.  Lấy bó nhang Nga đã đốt sẵn, anh một lần nữa, trước mộ mẹ mình:

-        Lạy má, đây là một phần thân thể của con, một phần nhỏ trong hình hài con mà má đã mang nặng đẻ đau, con gởi nó đây, bên cạnh má.  Mai kia chắc chắn có ngày con sẽ về đây, vĩnh viễn bên má, còn có cái bàn chân này, con sẽ được ở bên má trọn vẹn hình hài, má sẽ thấy con đầy đủ chân tay, không còn là một con người què cụt nữa.

Anh cắm hết bó nhang trước mộ, quày quả bước đi.  Tùy và Nga vội vã bước theo anh.  Ở đâu đó gần đây, vang lên tiếng chuông mõ và tiếng kêu khóc.  Hình như có một đám tang.

Lê Nam Phương (Lê Văn Trung)


Wednesday, January 22, 2020

Truyện ngắn: bên Ngoài Khung Cửa Sổ - Lê Nam Phương (thi sĩ lê Văn Trung)


BÊN NGOÀI KHUNG CỬA SỔ

LÊ NAM PHƯƠNG
(THI SĨ LÊ VĂN TRUNG)


*https://en.calameo.com/books/002555245e4d67f37f8ca 

Diệu tì tay vào khung cửa sổ, mắt u ẩn nhìn hút về phía xa.  Cánh rừng mùa này đang trở nên xanh dù sương mù có làm cho màu xanh nhạt nhòa hơn.  Nàng nghe rõ tiếng gió réo áo não qua các ghềnh đá và lung lay những cành thông, tạo cho từng mảng sương mù biến đổi không ngừng, lúc thì trông như những bóng ma trắng chập chờn từng đàn từng lũ đi về một hướng, rồi đột nhiên quay ngoắc lại tan vào nhau thành một khối lăn sườn đồi. Có một con đường mòn vắt qua cánh rừng nhưng giờ này nom không rõ.  Chỉ nhận ra con đường qua bóng dáng nhấp nhô của một vài người vội vã đi về phía rừng xa.


Gần hai năm nay, Diệu có thói quen đứng tựa khung cửa sổ nhìn mông vào khu rừng, mắt dõi theo những lay động của cành lá, của sương và của những cánh chim lạc loài.  Nàng đứng đó, lặng chìm vào nỗi nhớ tiếc xót xa và bóng dáng của Hạ lãng đãng mơ hồ.  Tuổi thanh xuân trôi qua cay đắng cùng với những thèm khát tê buốt cháy rưng rưng trong từng tế bào.  Nàng cắn chặt môi và nước mắt trào ra cấu buốt vào thịt da những khát khao cháy bỏng.


Diệu biết mình rất đẹp, và nhìn bề ngoài nàng trẻ hơn độ tuổi hai lăm.  Thân hình cân đối, cặp đùi chắc, mông nở, eo thắt lại một đường cong gợi cảm làm nhô lên hai bầu vú căng đầy.  Hạ đã từng luồn bàn tay thô bạo của mình mơn man bầu vú nàng. Những lúc đó Diệu thấy phấn khích lạ thường và cơn thèm khát bung vỡ như nổ tung cơ thể nàng. Nàng kéo Hạ nằm xuống, rên rỉ như một con mèo và nàng cắn ngập vào vai anh, cố nén dòng nước mắt hoan lạc trào ra.  Nhưng mỗi lần như vậy.  Hạ đều nâng đầu nàng lên, hôn đắm đuối vào đôi mắt ươn ướt của nàng, anh vỗ về Diệu:

-        Chúng ta sẽ nén lại em ạ.  Ngày hòa bình, ngày hòa bình anh bình an trở về.  Bình an trở về, em biết không?  Ta sẽ dìm nhau trong cái địa ngục tình yêu, cái địa ngục mà nơi đó xác thịt ta sẽ cháy bỏng ra.  Anh sẽ bù đắp cho em.  Em sẽ bù đắp cho anh.  Ngày hòa bình anh sẽ về em ạ.

Hòa bình!  Chiến tranh đã chấm dứt thật rồi sao?  Hơn ba năm rồi đó.  Người ta không còn bắn giết nhau nữa thì người ta bảo đó là hòa bình.  Người ta không còn gây ra chết chóc máu đổ thịt rơi nữa thì người ta bảo đó là hòa bình.  Mà nếu đã hòa bình rồi sao anh không về với Hạ?  Người ta bảo anh mất tích?  Một con người tự dưng biến khỏi mặt đất này?  Thật vô lý! Hay người ngoài hành tinh đã mang anh đi rồi!  Một người như Hạ, thuộc từng mảnh đất, từng khu rừng, từng con suối trên đất nước này mà bỗng dưng mất tích, không biết đường quay về?  Hòa bình rồi sao anh không về hỡi Hạ?  Có thể nào có một thứ hòa bình chưa phải là hòa bình? Hòa bình rồi sao ta vẫn còn xa cách nhau muôn trùng?  Hòa bình rồi sao người với người không đến với nhau thân ái? Hòa bình rồi sao em thơ vẫn còn lang thang từ hố rác này đến hố rác khác để bới tìm cái ăn?  Hòa bình rồi sao đêm ngủ không yên?  Tiếng chó sủa, tiếng gió đập cũng giật mình.  Qua đêm thấy ngày mới biết mình chưa bị đưa đi.  Rừng sâu nước độc, truông vắng đèo cao.  Lùa cả người già, trẻ con, phụ nữ.  Hòa bình rồi sao anh vẫn chưa về với Hạ?  Ôi hòa bình rồi sao vẫn bỏ quê hương. Chết biển.  Chết rừng. Hòa bình rồi sao em không được anh ôm siết dìu em vào cơn mê cuồng thèm khát. Hòa bình rồi sao em vẫn còn ngồi ngóng đợi anh về, vẫn là người chinh phụ bao nhiêu năm tì tay vào khung cửa sổ mà chờ, mà mong, mà hy vọng, mà tuyệt vọng, mà đớn đau! Rồi tự thèm khát thân xác mình như anh thèm khát thân xác em.  Rồi nhớ quay quắt cuồng điên những bận anh đã về, áo quần bẩn thỉu, nồng nặc mùi mồ hôi và mùi thuốc lá, ôm ghì lấy em như một con thú hoang dã, đôi bàn tay thô bạo của anh luồn lách khắp thịt da em, hai bầu vú em căng cứng một cơn co giật tê điếng.  Em trườn lên người anh quằn quại trong mê cuồng, phấn khích với nỗi đớn đau bung vỡ niềm khoái lạc.  Em đã giật đứt tung áo quần.  Em trần truồng trinh bạch trong tay anh.  Em chết đuối trong tay anh.  Nhưng tại sao? Tại sao anh dừng lại, hôn vào đôi mắt đang ứa đôi dòng lệ náo nức đợi chờ nguồn hoan lạc.  Anh kéo em dậy, mặc lại áo quần, hôn lên hai bầu vú đang còn căng cứng của em:

-        Chúng ta sẽ đợi chờ nghe em?  Hòa bình anh sẽ trở về.  Hãy giữ lại phút giây hạnh phúc nhất đời ta chào đón ngày hòa bình. Anh sẽ trở về.  Rồi ta sẽ có con, em ạ.

Nhưng rồi anh không về.  Anh không về trong cái ngày người ta nói về hòa bình.  Có phải anh là người chinh phu “cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi”.  Có phải em là người chinh phụ chờ chồng hóa đá?  Anh thì biền biệt.  Em thì qua bao năm rồi vẫn chưa hóa đá.  Em còn nguyên đây trong nỗi đớn đau thân phận, nhưng cơ thể em không tàn mục đi.  Càng nhớ về anh nó càng căng đầy rạo rực trong những cơn mơ tràn ngập ái ân.


Diệu như thiếp đi trong dòng chảy của ý nghĩ, dòng chảy có khi trong veo có khi ngầu đục, có khi dữ dội điên cuồng có khi âm thầm lạnh giá. Diệu không nghe rõ tiếng gõ cửa, khi Diệu uể oải quay ra thì cái bóng già nua lọm khọm của một người đàn ông cũng vừa toan bước đi.

-        Bác ơi bác tìm ai?

Diệu lên tiếng nho nhỏ và bước đến mở cửa.  Người đàn ông trạc chừng sáu mươi, tóc bạc trắng, râu ria bờm xờm, miệng móm, nhìn chung gương mặt phờ phạc và xa xôi.  Ông chống một cái gậy tre.  Ông đang nhìn vào khu rừng, nói, không quay về phía Diệu:

-        Tôi chẳng tìm ai.  Tôi đang khát và cần ngồi nghĩ nhờ chốc lát.

Diệu mời ông vào trong nhà, ông từ chối:

-        Tôi ngồi tạm ngoài hiên.  Cô cho xin cốc nước.

Nàng đem nước ra:

-        Bác từ đâu đến vậy?

-        Không từ đâu cả.  Tôi lang thang đã suốt mấy năm nay rồi, không nhớ mình đã khởi đi từ đâu và đã qua những đâu. Không nhớ hết.

-        Vậy nhà bác?

-        Không nhà.

-        Vợ con bác?

-        Không vợ con.

-        Bác định đi đâu?

-        Không định gì.

-        Bác nói cháu chẳng hiểu gì cả.

-        Vâng.

-        Cháu lấy cái gì bác ăn nghe.

-        Bà ấy chết trên đèo năm 75 cùng với con gái.  Tôi tỉnh dậy thấy mình nằm dưới vực.

Người đàn ông có lẽ đã tỉnh táo lại, ông nói tiếp:

-        Tôi đi tìm họ.  Không thấy xác đâu.  Từ đó tôi lang thang từ nơi này qua nơi khác. Tôi đi tìm họ.

Diệu vào sau nhà lấy ít cơm và thức ăn mang lên:

-        Cháu mời bác ăn tạm…

Ông không để ý nói tiếp:

-        Tôi đi tìm.  Bao năm nay tôi đi tìm.

Diệu tò mò lễ độ hỏi:

-        Bác đi tìm?

-        Vâng, tất cả.  Kể cả thằng con trai.  Nó đi lính rồi không về.  Hòa bình rồi cũng không về.  Người ta nói nó mất tích.  Lạ thật.  Mất tích là sao?

-        Nhưng không có tâm tích gì của ai sao bác?

-        Không.

-        Vậy mà bác vẫn đi tìm?

Diệu lại hỏi một câu có vẻ ngớ ngẩn, chính nàng, chính nàng, không phải chính nàng cũng đang trông đợi vô vọng đó sao?  Lại một người nữa mất tích.  Một là sống trở về  hai là chết.  Sao lại mất tích?  Mất tích.  Thứ ngôn ngữ đánh lừa làm cho ta vừa thấp thỏm hy vọng vừa đớn đau tuyệt vọng.

-        Tôi ăn nghe cô?

Ông nhìn Diệu e dè hỏi.

-        Mời bác.  Nhưng mà bác đã không gặp anh ấy đã lâu chưa?

-        Trước cái ngày thiên hạ cho là hòa bình mấy tháng.  Tôi vẫn tin nó còn sống cô à.  Mà nếu nó đã chết rồi thì cũng chỉ chết theo cái nghĩa đen của nó.  Nó phải còn cái phần tâm linh của nó chứ.  Nhưng tôi cũng không gặp nó ngay trong những giấc mơ của mình.  Chẳng lẽ linh hồn nó cũng mất tích rồi sao?

-        Anh ấy đã có vợ chưa?

-        Chưa.

-        Chắc cũng có người yêu rồi.

-        Chắc.

Người đàn ông đi tìm, ông nghĩ, ít ra là cái hồn của con mình. Diệu nghe lành lạnh sau sống lưng.

Vừa ăn người đàn ông vừa kể:

-        Tôi bảo nó lấy vợ, nó nói khi nào hòa bình. Rồi người ta nói với tôi đã hòa bình.  Thế mà nó không về lấy vợ.

Diệu nhớ tới Hạ.  Có phải anh cũng đã nói với em như vậy?  Hòa bình anh trở về.  Và nàng nghe cơ thể thổn thức bởi một cảm giác cũ sống lại.  Nhớ đôi bàn tay thô bạo của Hạ.  Và nàng cúi nhìn xuống ngực mình, đôi bầu vú nàng không mặc áo nịt đang run run lên tê tái.

-        Bây giờ bác vẫn còn đi tìm?

-        Vẫn.

-        Bác có tin sẽ gặp anh ấy không?

-        Có.

Rồi ông cả quyết:

-        Một là xác hai là hồn.

-        Bác có nghĩ rủi ro anh ấy đã mất rồi, linh hồn anh ấy có về với bác không?

-        Cô tin có linh hồn không?

-        Chúa cũng không biết.

-        Cái hồn của con người mới là cái lớn lao hơn.  Thân xác chỉ là tro bụi.

-        Nhưng cháu, cháu muốn có cái phần tro bụi đó hơn.

-        Đúng.  Cũng cần, nhưng cô nghĩ thế nào?  Nếu nó còn sống, chắc chắn nó phải trở về.  Hòa bình rồi mà. Nhược bằng nó đã chết, cái hồn của nó cũng phải trở về chứ?  Chẳng lẽ một người mất tích là một người không còn cả hồn lẫn xác?

-        Bác có thường cầu nguyện để xin còn được gặp anh ấy không?

-        Không.  Không ai giúp ta được.  Chúa cũng vậy.  Phật cũng vậy.

-        Vậy bác tin vào gì?

-        Không tin vào gì cả.  Tôi chỉ có trái tim.  Trái tim tôi thôi thúc.  Khi nào máu trong tim tôi ngừng chảy tôi sẽ ngưng cuộc kiếm tìm.

-        Bác không tin vào Chúa, vào Phật, vậy bác cho rằng không có thiên đường địa ngục sao?

-        Thiên đường địa ngục ư?  Đó chỉ là ý niệm.  Nhưng cho dù có thiên đường thì con người cũng không đặt chân tới được.  Vì nó chỉ là ý niệm nên khoảng cách giữa thiên đường và địa ngục không xa. Hay chính xác hơn, nó không có ranh giới.  Nhưng như tôi đã nói, con người chưa hề đặt chân tới thiên đường được, bởi chính nó, cái con người ấy, chính nó đã là địa ngục rồi.

-        Vậy sao bác tin có linh hồn?

-        Tôi đã nói thế?  Thí dụ tôi nói tôi không tin vào Chúa, vào Phật là hiểu theo cái nghĩa quý Ngài không giải thoát gì cho ta được.  Tôi không tin tôi cầu xin sẽ được ân chuẩn.  Có Chúa không?  Có.  Có Phật không?  Có.  Nhưng cầu xin quý Ngài giải thoát cho chúng ta khỏi những phiền não thì không, các Ngài không giải thoát cho ta được.  Cho nên tôi lang thang kiếm tìm, chưa một lần cầu xin ân sũng.  Tôi đi tìm theo sự thôi thúc của con tim phiền muộn, sự cô đơn lạc loài của kiếp người.  Tôi vẫn đi tìm. Linh hồn ở đó. Là trạng thái tâm lý vượt ra khỏi thực tại.  Ta chỉ gặp linh hồn trong những giấc mơ của mình.  Nhưng trong những giấc mơ phiền muộn của tôi, nó vẫn không quay về, họ không quay về.

Diệu trầm ngâm như nói với chính mình:

-        Không biết sau cuộc chiến này còn có bao nhiêu người lang thang tìm kiếm trong vô vọng nhưng không bao giờ từ bỏ.

-        Bao nhiêu?  Ừ, không biết bao nhiêu.

-        Bác đã gặp ai đi tìm như bác thế này chưa?

-        Chưa.  Cũng không biết.

Người đàn ông bưng ly nước uống cạn, đứng lên:

-        Tôi cám ơn cô. Tôi đi đây.

-        Bây giờ bác định đi đâu?

-        Chưa biết.

-        Buổi tối bác thường trọ ở đâu?

-        Một người như tôi có rất nhiều chỗ để qua đêm.  Gốc cây bên đường, gầm cầu, hiên chùa, chuồng gia súc bỏ hoang nào đó…Thôi chào cô.

-        Nếu bác có đi ngang qua đây xin mời bác vào nghĩ.

-        Chưa hẳn. Tôi chưa bao giờ có ý định quay lại lối mình đã đi qua.

-        Bác đi bình an.


Người đàn ông bước ra đường, đi chậm rãi.  Không rõ ông đi về phía trước hay quay lại lối cũ, chắc ông cũng không nhớ, mà Diệu thì cũng không biết ông đã từ hướng nào đi tới. Nàng mong cho ông gặp lại người con. Niềm mong ước đó nàng cũng mong cho chính mình, chút hy vọng leo lắt trong niềm tuyệt vọng bi thương.  Nàng quay lại khung cửa sổ, lại tì tay vào đó, nhìn xa xôi về phía khu rừng.  Hình như bóng người đàn ông thấp thoáng cuối con đường mòn dẫn vào khu rừng.  Ông ta đi vào rừng ư?  Diệu lo lắng.  Vào rừng một mình không áo ấm, không nước uống, không thức ăn.  Nàng biết, băng qua hết cánh rừng này là một bản làng độ vài chục nóc nhà lụp xụp của những người từ thành phố bị đưa về đây.  Qua hết cái làng nhỏ đó lại một cánh rừng nữa kéo tận chân dãy Trường Sơn. Nàng vẫn thường thấy những người ở khu làng kia, thỉnh thoảng, qua lại trên những lối mòn này, họ đến một cái chợ nho nhỏ để trao đổi những thứ họ kiếm được và lấy lại những thứ cần thiết, thường là mắm, muối, dầu, đèn…Họ sinh hoạt gần như những người anh em miền Thượng Du, trông họ cũng lầm lì và im lặng.  Diệu chưa hề thấy bóng dáng một đứa nhỏ nào.  Trong làng không có trẻ con chăng?  Hay người ta không dám sinh đẻ?  Nhưng làm sao người ta tránh được cái chuyện ấy.  Đúng là Diệu chưa hề thấy một đứa trẻ nào.  Nếu có thì ít ra chúng cũng đi học và buộc phải ngang qua đây để đến một cái trường duy nhất ở cuối khu này.  Một ngôi trường lợp lá cọ dột nát xiêu vẹo như sẵn sàng đổ xuống nếu có một cơn gió hơi mạnh thổi qua.  Hay chúng phải ở nhà chăn trâu, cuốc đất, lượm củi, hái rau…Chúng phải phụ giúp cha mẹ.  Chúng không được đi học.  Diệu chợt nhớ tới Lão Du Sĩ, năm 75 lão lùa hết vợ con vào rừng sâu, cách ly hẳn xã hội, bắt đầu cuộc sống hoang dã sơ khai.  Mấy đứa con lão hoàn toàn không màn tới có một thế giới loài người đang tồn tại bên ngoài bức tường cây cối dầy đặc của rừng xanh.


Diệu bỗng thấy xốn xang trong lòng.  Nếu Hạ không mất tích. Nếu Hạ giữ đúng lời hứa với nàng, nay Diệu đã có con, đã sống hạnh phúc bên Hạ, cho dù phải sống cơ cực đi nữa. Diệu sẽ dạy con học, dạy chúng lòng yêu thương, dạy chúng biết trân trọng cỏ cây hoa lá…Nhưng giờ thì…Hạ đã bay qua một dãy núi nào đó, một khu rừng nào đó và anh đã không trở về.

***

Anh sẽ về.
Em lo cho anh quá.
Chắc chắn hòa bình.
Em thấy xa vời quá.
Không thể chém giết nhau mãi được.
Em không hiểu.
Máu đã đổ nhiều rồi.
Tâm hồn con người cũng ung vữa rồi.
Phải hy vọng em ạ.
Vâng, đừng tuyệt vọng. Cay đắng quá.  Ôm em đi anh. Em thèm anh quá.
Hòa bình anh trở về.
Yêu em đi anh.
Anh sẽ về. Chờ đợi anh.
Rồi anh không về, Hạ, anh không về.


Nàng nhìn xuống ngực mình, hai bầu vú căng lên dưới lớp vải mỏng.  Nàng nhắm mắt lại, nhớ từng sợi tóc, ánh mắt của Hạ, nhớ bàn tay thô bạo của anh bò trườn khắp cơ thể nàng.  Bất giác nàng mở cúc áo để lộ bầu ngực đang rung lên, trắng như sữa và hai núm vú đỏ hồng, nàng thèm ngậm vào đó mà mút như Hạ đã từng, giống một thằng bé tham ăn, mút hai bầu vú nàng khiến nàng ngây ngất trong cơn tê dại đớn đau quằn quại niềm khoái cảm đến ứa nước mắt.  Nàng đưa tay nâng hai bầu vú của mình lên, chìm sâu trong nỗi tiếc nhớ thăm thẳm.


***

Đã hơn hai tháng trôi qua kể từ ngày người đàn ông lạ ghé vào.  Ông ra đi, không để lại dấu vết.  Nàng chỉ nhớ mang máng người ông gầy guộc, tóc bạc, râu dài và đôi mắt sâu hun hút bao giờ cũng như nhìn vào cõi hư không nào.  Một con người cô độc trên thế gian đầy bất trắc này đang đi tìm một bóng hình hư ảo với niềm hy vọng bi đát.  Diệu nhớ tới ông và thấy tội nghiệp cho ông quá. Mối thương cảm này làm nàng thổn thức và khổ sở vô cùng.

***

Anh đã từng yêu ai chưa.
Chưa.
Anh đã ngủ với cô gái nào chưa.
Rồi.
Ai?
Gái điếm.
Ghê.
Không ghê đâu.  Giải quyết bình thường.
Anh không muốn yêu em à.
Muốn.
Vậy hãy yêu em đi.
Hòa bình anh trở về.
Em không chờ được.
Hãy chờ…

***

Diệu nhớ tới người đàn ông.

-        Tôi bảo nó lấy vợ, nó nói chờ hòa bình.

Hòa bình rồi phải không?  Anh không về.  Người thanh niên kia cũng không về.  Một người cha già nua lang thang đi tìm trong vô vọng.  Một phụ nữ ngồi chờ bao nhiêu năm dằng dặc.  Cả hai đều không dám tin mình đã mất hay còn người thân yêu của mình.  Khi nào có sự bắt đầu tìm kiếm trong vô vọng, có sự chờ đợi trong vô vọng là lúc bắt đầu nghe người ta nói đến hòa bình, phải không?  Cả đất nước này, cả loài người này đang như thế và sẽ còn như thế.

Diệu nhớ tới người đàn ông, một người mang nỗi khắc khoải giống như nàng.  Nhưng ông thì dấn thân đi tìm, nàng thì ngồi âu sầu buồn bã đợi chờ vô vọng trong nỗi cô đơn triền miên và trong nỗi thao thức của cơ thể, một nỗi khát khao bi thương làm nàng thấy cả nguồn sinh lực mình như cơn sóng vỡ trào vào một bờ bãi hoang liêu.

“Hay là mình đi tìm ông già”.  Nàng tự nhủ với mình và hình như có một nguồn thôi thúc nào đó trong lòng bảo nàng “Hãy lên đường”.  Thà làm một cuộc hành hương vô vọng còn hơn ngồi chờ mõi mệt trăm năm.  Hai người sẽ chung một con đường cho dù con đường phía trước mù mịt. Thôi, hãy cất bước là ra đi. Cả đất nước này, cả loài người này hình như cũng đang lên đường, tìm kiếm cái đã mất, tìm kiếm điều chưa có, tìm kiếm cái đã bị tước đoạt, cả hai người – người đàn ông và nàng – đều có thể, không có một điểm rõ ràng để tới, nhưng cả hai đều ra đi với khát vọng vô bờ: có thể, người đàn ông chỉ mong, dù trong giấc mơ phiền muộn của mình, cái bóng cái hồn của người thân yêu.  Nhưng với nàng, nàng muốn tìm cho bằng được cái khối vật chất mang hình hài một con người và chỉ có con người đó mới bù đắp nỗi khát khao bị nhấn chìm trong nỗi cô đơn bi thương mà nàng đã chịu đựng.



Thế là Diệu quyết định lên đường.  Nàng chuẩn bị một vài thứ lặt vặt và áo quần, rạng sáng hôm sau, đúng một trăm ngày kể từ ngày người đàn ông lạ ghé qua, túi xách trên vai nàng lầm lủi đi trong sương mù trên con đường mòn dẫn về phía khu rừng.


Trời đã chuyển sang những ngày của mùa đông.

Gió se se và bầu trời nhiều mây, sương mù nặng nề bám là đà mặt đất, trời đất nhuộm một màu trắng nhờ nhợ chậm chạp trôi khiến người đi như bềnh bồng trong ảo giác chập chờn.  Con đường vắng đến độ không có một sinh vật nào, ngay cả những tiếng kêu rên rỉ của những con dế nấp dưới các lùm cỏ cũng chìm khuất trong cái yên lặng não nề của đất trời.  Diệu đi trong miền im lặng đó, nàng chỉ còn mơ hồ nghe con tim mình nhịp u buồn theo từng bước đi nhẹ như bước trên mây.  Nàng phải đi như thế ít nhất nửa ngày mới đến bìa rừng.  Nghĩ ngơi dăm phút rồi phải vội vã băng qua khu rừng trên một lối mòn quanh co chìm khuất dưới tàn lá cây rừng, nếu không chú ý có thể lạc vào những lối mòn chằng chịt mà những người đi lụm củi tạo ra dọc ngang.

Hình như đã từng nằm mơ thấy mình thường lang thang trên những con đường như thế này.  Nàng đi mãi đi mãi, những bước chân vô định với một tấm lòng nặng trĩu niềm nhớ nhung cùng nỗi khát khao thiêu đốt xác thịt.  Rồi ngọn lửa bừng lên trong một cơn phấn khích mê cuồng nàng bấu chặc hai tay vào hai bầu vú căng tràn. Nàng tỉnh dậy và rơi vào nỗi cô đơn triền miên.

Bây giờ nàng cũng đang đi trên cái lối mòn đó như một xác định sau cùng cái phận người nghiệt ngã đang chơi vơi trong hố thẳm của cuộc kiếm tìm.  Nàng đi tìm Hạ hay đi tìm chính số phận mình, đi tìm tia lửa cuồng nhiệt của xác hồn nàng mà Hạ đã nhiều lần thổi bùng lên.

Ánh nắng ban trưa xuyên qua màn cây bị gió lay nhẹ làm những giọt nắng chập chờn như những cánh bướm trong một câu chuyện thần thoại.  Diệu ngồi xuống tựa vào một gốc cây, nhìn bốn bề yên lặng, một con sóc nâu rụt rè ve vẫy cái đuôi, đôi mắt như hai hạt cườm từ bên cành cây khác nhìn nàng như tự lượng có điều gì nguy hiểm xảy ra cho nó không, rồi vụt một cái nó biến vào bụi rậm.  Hình như có tiếng người vang nho nhỏ bên con đường mòn rẽ ngang chỗ nàng đang ngồi.  Diệu quay nhìn lại: hai người phụ nữ đang vừa đi vừa nói chuyện, họ đang tiến về phía nàng.  Diệu đứng lên định bước đến chỗ họ, nhưng họ đã gần kề, nàng lên tiếng:

-        Chào hai chị.

Hai người phụ nữ, một đã đứng tuổi, một còn trẻ, bỡ ngỡ nhìn nàng từ đầu đến chân, rồi gương mặt họ bỗng trở nên vui ra, thân ái.

-        Cô đi đâu mà ngồi giữa rừng thế này.  Người lớn tuổi hỏi.

-        Lối này dẫn vào một ngôi làng phải không hai chị?

-        Vâng, chúng tôi ở đó.

-        Ô, may quá, hai chị cho em theo về

-        Cô đến nhà ai ở đó?

-        Em không quen ai ở đó cả.

-        Thế cô về đó làm gì?  Người phụ nữa trẻ im lặng nảy giờ mới lên tiếng.

-        Dạ đi tìm.

-        Tìm ai?

Diệu ngơ ngác, không biết trả lời ra sao nhưng người lớn tuổi đã nói:

-        Có phải cô đi tìm một người đàn ông cách đây mấy tháng đã ghé ngang qua làng này, phải cha của cô không?

-        Dạ không.

Tần ngần giây lát rồi Diệu nói:

-        Nhưng em cũng muốn đi tìm ông ấy.  Bây giờ ông không còn ở trong làng sao?

Nàng lo lắng hỏi.

-        Ông ta chỉ ở lại một đêm rồi đi.

Diệu muốn biết thêm thông tin về người đàn ông nhưng người phụ nữ lớn tuổi đã giục:

-        Thôi chúng ta về, không khéo không kịp trời tối.

-        Các chị đi hái măng rừng hả?  Diệu hỏi và nhìn thấy họ sắp đội lên đầu một cái bao đựng măng.

-        Vâng.  Người trẻ tuổi trả lời.  Chúng tôi ở đây sống nhờ vào núi rừng.  Đời sống khổ lắm, nhưng biết làm sao, không quay về được.


Diệu biết rất rõ những điều này, nàng không muốn đi sâu vào hoàn cảnh của những con người đang cư ngụ trong cái làng này.  Những con người đã bị tước đoạt tất cả và bị lùa vào đây bằng những áp lực che đậy đủ mọi danh hiệu tốt đẹp.  Có một số người chịu đựng không nổi với đói khổ, sốt rét, đã bỏ trốn về thành phố, nhưng nhà cửa không còn, họ sống chui nhủi bất hợp pháp, dưới những gầm cầu kênh rạch, làm tất cả mọi việc, kể cả ăn cắp để có cái ăn.


Ba người lầm lủi đi, phút gặp gỡ ban đầu đã qua, sự mệt mỏi và lo âu xâm chiếm lòng họ, nên chẳng còn ai nói với ai, họ im lặng đi trong cái lặng yên của đất trời.  Diệu thầm nghĩ trong lòng không biết người đàn ông đã đi về đâu, rồi trên bước đường dong ruổi đó ông có gặp điều gì bất trắc không.  Từ lâu, từ cái ngày tì tay vào khung cửa sổ ngóng về một phương trời xa lắc, mà ở đó bóng dáng Hạ chập chờn hư ảo.  Nàng sống trong nỗi cô đơn cùng cực, và nàng mãi nghĩ rằng sao trên đời này, cả hàng tỷ con người này, chỉ có mỗi mình nàng đơn độc.  Bây giờ trước nỗi đau của người đàn ông đó, nàng chợt nghĩ rằng không phải chỉ một mình nàng, mà còn rất nhiều, rất nhiều những mảnh đời trôi giạt khắp thế gian này, bơ vơ, lạc loài, sau cuộc chiến tranh thảm khốc và phi nhân, cuộc chiến đã đẩy dân tộc này, loài người này vào những cảnh ly tan bi thương.  Và để rồi sau khi đã thỏa mãn trong một cuộc tương sát khốc liệt, những người nhân danh hòa bình tự do lại đẩy con người vào những lo sợ kinh hoàng hơn, những tan nát đổ vỡ hơn.  Con người không còn chết vì bom đạn nữa mà chết vì đói khát, bệnh tật, chết vì lo sợ trong những khu tập trung.  Con người đứng trước nguy cơ sụp đổ cả cái ngôi nhà đạo lý đã dày công xây dựng mấy ngàn năm để đi tôn vinh vật chất, lừa gạt, phản bội nhau…

Diệu thấy nặng trĩu trong lòng.

“Sao anh không về hỡi Hạ, người ta nói hòa bình rồi”.

Con đường đã bắt đầu sẫm lại.  Mặt trời khuất vào những dãy rừng xa.  Gió xào xạc và lành lạnh.  Dù mõi mệt, Diệu vẫn cố bám theo hai người phụ nữ đang hối hả bước đi.

-        Còn bao xa nữa? Nàng hỏi.

-        Đi khoảng một tiếng nữa là tới.  Cô mệt sao?  Người phụ nữ trẻ ân cần hỏi Diệu.

-        Em cố được.  Chỉ hơi đau chân.

-        Gắng tí nữa.  Tối nay cô nghĩ chỗ tôi.  Người phụ nữ trẻ an ủi Diệu.

-        Đi như thế này có sợ thú dữ không chị?

-        Cô yên tâm, ngay những con thú hung dữ nhất cũng bỏ đi sâu vào núi cao rừng thẳm rồi.  Chúng nó sợ loài người.

“Chúng nó sợ loài người”.  Diệu mỉm cười chua chát.  Con người bây giờ đã xâm chiếm chốn cư ngụ của muôn thú, giành giật nơi ở cái ăn của chúng, thậm chí chúng còn bị sát hại không thương xót.  Cây rừng còn đổ máu.  Suối rừng còn khô lệ.  Bao giờ thì con người, cỏ cây, muôn thú sống thực hòa bình?  Diệu nhớ tới mấy câu thơ của một người nào đó:

“Hỡi những thiên thần quỷ dữ hãy nằm yên
Cho em lại là em
Thuở đất trời nguyên thủy
Cho tôi cũng là tôi
Thuở hồng hoang bừng dậy
Để một giây một phút rất phù du
Mầu nhiệm mở tung cánh cửa ngục tù
Em đứng khóc dưới chân đồi hạnh phúc
Ta viết nốt câu thơ ngàn năm trước…”

Ước vọng của nhà thơ là một ước vọng đầy nhân bản nhưng sao nghe trong giọng điệu không che giấu được nỗi bi thương của nguồn tuyệt vọng.  Diệu lại thấy lòng mình trào dâng một nỗi thương cảm vô bờ.  Nàng nhìn bóng hai phụ nữ xiêu vẹo chập chờn phía trước, họ đội mấy bao măng, đầu cuối xuống.  Họ thấy gì trong từng bước chân của mình?  Họ thấy gì trong nỗi lòng đầy lo âu của họ?  Họ sẽ trở thành những con người của rừng núi mãi mãi, mãi mãi, đến cả đời con cháu họ sao?  Còn nàng?  Nàng đang đi về đâu đây?  Khi phía trước là mênh mông mù mịt.  Nhưng, nếu không ra đi, không dấn thân vào cuộc kiếm tìm vô vọng, không đợi chờ mòn mõi thì nàng sống vì cái gì? Sống cho ai đây?

Chân trời hạnh phúc đó ở đâu để em về ngồi mà khóc, khóc trong nguồn hoan lạc bi thương.  Để anh về viết tiếp bài thơ ngàn năm trước, những câu thơ từ thuở khai sinh đất trời.

Ba người phụ nữ vừa đến đầu làng thì trời cũng nhá nhem tối.  Diệu đưa tầm mắt dò theo những căn nhà lụp xụp thưa thớt dưới những tàng cây.  Vài ánh đèn leo lắt như những con đom đóm khuất khuất hiện hiện sau vách nứa.

Buổi chiều nơi một vùng rừng núi dù được xây dựng thành một cái làng nho nhỏ sao Diệu chẳng thấy có hình ảnh nào của một làng quê truyền thống.  Nó im lặng đến độ rùng mình khiến ta có cảm giác lạc vào một thế giới hoang vu nào.  Nếu không có, thỉnh thoảng, vài tiếng chó sủa vu vơ lạc lỏng trong không gian vắng lặng này, và nếu không có bóng ba người phụ nữ di động thì hầu như toàn bộ không gian này là một bức tranh chết.  Một bức tranh mà tác giả của nó trong một cơn loạn trí đã tạc cả khối màu lẫn lộn cả đất cát, máu và nỗi tuyệt vọng lên khung vải.  Trong toàn bộ cái khung cảnh chết lặng đó Diệu nhìn thấy một cụ già gầy xọp, tóc loe hoe bạc, quàng một tấm bao bố ngồi xụp bên đường, đôi mắt chìm trũng, tối tăm và khổ hạnh.  Người phụ nữ trẻ vội chạy đến bên bà cụ.

-        Trời!  Sao mẹ ra ngồi đây?

Quay sang Diệu chị tiếp:

-        Mẹ tôi đấy, bà yếu lắm.

Chị dìu bà cụ đứng lên, bà móm mém, hơi thở mệt nhọc, nói không thành tiếng rõ ràng:

-        Ai?

Chị không trả lời, Diệu cũng đến đỡ bà cụ một bên, người phụ nữ nói:

-        Nhà gần đây, cô về với chúng tôi.

Sau khi chào người đàn bà lớn tuổi, Diệu cùng mẹ con người phụ nữ trẻ rẽ vào một lối mòn nhỏ.  Căn lều thấp lè tè nằm sau khoảng sân hẹp.  Một đứa bé chừng năm tuổi chạy vội ra:

-        A! Mẹ về.  Nó reo lên vui mừng, rồi nhìn Diệu nó vòng tay chào.

Diệu xoa đầu thằng bé.

-        Cháu ngoan lắm.

Đó là một thằng bé có đôi mắt hơi tối, da ngăm đen, tóc cứng lõm chõm, nó chạy đến bên mẹ, hỏi nhỏ:

-        Ai đó mẹ?

Diệu chợt thấy lòng buồn rười rượi.  Nàng nhìn lướt quanh. Người mẹ già đã ngồi bên thềm, mắt ngóng ra đường mòn, không nói gì, người phụ nữ lăn xăn nhóm lửa.  Đồ đạc trong nhà chẳng có gì, một cái giường tre, trên đó tấm chiếu đã rách, vài cái gối và cái mùng cũ nhầu bẩn.  Nàng nghĩ người phụ nữ này không lớn hơn nàng là mấy nhưng đời sống lam lũ thiếu thốn quá trông chị như già hơn nàng cả chục tuổi.  Dù cố nén sự tò mò, nhưng cuối cùng Diệu vẫn hỏi:

-        Ba cháu đâu mà không thấy chị?

Người phụ nữ vừa thổi lửa vừa trả lời:

-        Ảnh mất mấy năm rồi, lúc cháu mới hai tuổi.

Diệu không thấy bàn thờ đâu.

-        Chị quê đâu?

-        Tôi cũng chẳng nhớ quê quán nơi nào.  Hồi chiến tranh chạy tán loạn, cha mẹ anh chị em chết hết, tôi sống ở cô nhi viện.

Chị thở dài:

-        Lớn lên lăn lóc đường phố, gặp ba cháu cũng dân chạy loạn, vô gia cư, ảnh làm phu khuân vác, tôi buôn thúng bán bưng, che mấy tấm bạt dưới gầm cầu.  Nhưng đùng một cái: hòa bình!  Họ bảo chúng tôi là thành phần nguy hiểm cho xã hội, lùa lên đây.  Mấy năm đầu sốt rét, đói, ỉa chảy…chết nhiều, ba cháu cũng chết vì sốt rét, không có thuốc.  Nhiều người trốn về, tụi tôi chịu, đành bám đây.

Ngưng kể chuyện, chị nhìn thằng bé đang lấy những mụt măng từ trong bao ra đặt cẩn thận lên ngạch cửa:

-        Chỉ tội thằng bé!  Thôi thì xin đất trời phù hộ, mai sau này có thay đổi gì…

Chị bỏ lững câu nói.

“Mai sau có thay đổi gì”.  Diệu thấy cay đắng trong lòng.  Nàng, nàng có mong “mai sau thay đổi gì” trong sự chờ đợi khắc khoải vô vọng này không?  Diệu nghĩ, nếu có thể đánh đổi được số phận, nàng muốn mình là người phụ nữ này, muốn làm vợ, muốn làm mẹ.  Cho dù anh ấy đã chết, vẫn còn thằng bé, hiện thân của anh, máu thịt của anh, nàng đâu phải chịu cô đơn dày vò thế này. Tuổi xuân rồi cũng tàn. Hạnh phúc ái ân đâu có chờ đợi nàng năm năm, mười năm nữa.

-        Cháu, lại đây với cô.

Nàng gọi thằng bé, nó rụt rè đến bên Diệu, Diệu ôm nó vào lòng, nước mắt ứa ra quặn thắt.  “Trời ơi, nếu anh để lại cho em một đứa con! Anh bảo chờ hòa bình.  Hay là vẫn chưa có hòa bình?  Vì anh chưa về phải không?”  Diệu hôn vào trán thằng bé, lòng trào dâng một nỗi khát khao làm mẹ.  Nàng quay về phía bà cụ đang ngồi bất động bên hiên nói với người phụ nữ:

-        Chị đưa cụ vào nằm cho khỏe, hình như cụ có điều gì nặng trĩu trong lòng.

-        Từ ngày ảnh mất, bà trở nên âm thầm như cái bóng, sức khỏe sút giảm.  Tôi nghĩ mẹ sẽ không sống được bao lâu nữa.

-        Hay chị đưa cụ và cháu về thành phố.

-        Không được đâu cô.

Về thành phố.  Nàng đã chẳng rời thành phố để về một vùng quê hẻo lánh đó sao.  Thành phố.  Cái thành phố tràn ngập những kỷ niệm lại là một chứng nhân của bao đổ nát, ly tan.  Hình bóng của phố phường ngày xưa đâu còn nữa.  Bây giờ ở đó là bụi khói, là rác, là cống rãnh của lũ chuột, lũ mèo hoang, là chốn của một lớp người cơ hội từ một hang ổ nào đó nhảy tót lên ngồi vào chiếc ghế thượng lưu, đại gia trong những cao ốc, biệt thự sang trọng bên cạnh đám dân nghèo bán mồ hôi nước mắt cả ngày không đủ mua bữa cơm dưa mắm.  Nàng đã rời xa thành phố, rời xa cái cạm bẫy mà những người phụ nữ như nàng, nếu không đứng vững được sẽ rơi ngay vào ổ mãi dâm, vào các quán bia ôm, bán thân xác của mình, ngủ cả với những thằng đàn ông bằng tuổi ông nội ông ngoại, với những thằng nhãi đáng tuổi em tuổi con.  Chúng nó có tiền, đồng tiền của chúng không tốn một giọt mồ hôi.

Diệu nhớ đã gặp một người phụ nữ cũng trạc tuổi người phụ nữ trẻ này, bỏ quê lên thành phố kiếm việc làm, nhưng cuối cùng bị đẩy vào con đường làm gái mãi dâm và đã chết vì không chịu nổi một toán côn đồ thay phiên nhau cưỡng hiếp, để lại một đứa con dại và mẹ già ở quê nhà. Báo chí có nói đến nhưng chẳng đến đâu.  Không tìm ra người thân của nạn nhân.  Vụ việc chìm vào bóng tối, không ai còn quan tâm tới nữa.

-        Cháu nó ở đây thiếu thốn rất nhiều, người phụ nữ trẻ nói, không được đi học.  Trước ở đây cũng có một lớp học nho nhỏ, một cô dưới xuôi lên, được mấy tháng cũng bỏ về.  Chúng tôi sống dường như bị quên lãng.  May mà chúng tôi vẫn tìm ra cái ăn.

Người phụ nữ dọn cơm ra trên một cái sàn bằng tre đặt giữa nhà.  Diệu ngồi ăn với họ, mỗi miếng cơm và vào miệng nàng nghe cả một nỗi cơ cực chảy vào lòng.

Diệu đã từng ở những vùng quê thời nàng còn làm giáo viên, nhưng có lẽ không có một vùng quê nào giống ở đây.  Nó im lặng đến dị thường.  Nỗi lặng yên này hiện ra vẻ chịu đựng cam đành, cuộc sống trôi đi như trôi trong một dòng nước ngầm chẳng bao giờ thoát ra được.  Thậm chí sự xuất hiện của người đàn ông lạ, và bây giờ là Diệu, cũng chẳng thể gợn lên chút xao động.  Nếu Diệu không hỏi chắc người phụ nữ cũng không đá động gì việc người đàn ông lạ đến đây và vội vã đi sâu vào rừng.

-         Ông ta đến đây lúc đã khuya lắm, vào một nhà gần đây xin nước và nằm ngủ ngoài hiên.  Ông không nói gì nhiều nên chẳng ai biết ông từ đâu tới.  Ông chỉ hỏi qua khỏi khu này là đi đâu.  Đi khỏi khu làng này rồi băng qua một cái truông dài chạy mãi đến chân núi.  Đi bộ phải mất hơn ngày đường cô ạ.

-        Ông không nói ông vào núi làm gì hả chị?

-        Ông chỉ nói ông đi cho đến khi nào không thể đi được nữa.  Thậm chí có thể băng qua núi.  Nhưng cô là gì của ông ta?

-        Em không là gì cả.

Rồi Diệu kể chuyện ông ghé ngang nhà xin nước, trao đổi với Diệu đơn giản về thân phận và mục đích cuộc ra đi tìm kiếm vô vọng của ông.  Diệu cũng không thể nói rõ với người phụ nữ mình đi tới đây với mục đích gì.

-        Gần dưới chân núi có một ngôi chùa cổ cô ạ.  Hình như có một vị sư già và một chú tiểu.  Dân làng này có người đã đến đó rồi.  Họ đến để xin thuốc chữa bịnh.  Nghe đâu vị sư biết chữa bịnh và bốc thuốc, phần nhiều là lá cây rừng, ông không lấy tiền, chỉ làm phúc.

Có lẽ người đàn ông đã đến được ngôi chùa.  Diệu hy vọng ông còn ở đó, và Diệu hình như tin như thế.  Bởi nếu không, ông đã quay trở lại rồi, cho dù có lần ông đã khẳng định không bao giờ quay lại lối cũ.  Diệu cũng không tin ông đủ can đảm và quyết tâm vượt núi trong khi không có một tí hành trang gì.  Nếu ông liều lĩnh qua núi chỉ có chết, không đói lạnh, té ngã thì rắn rít, thú dữ cũng quật ngã ông.

Biết Diệu có ý định sớm vào núi, người phụ nữ trẻ tốt bụng đã dậy từ lúc gà gáy canh hai nấu rồi gói cho Diệu một gói cơm, một ít muối đậu rang và bình nước.  Cả đêm Diệu cũng không ngủ được, nàng ôm thằng bé nằm dưới nền nhà, lòng rưng rức nhớ đến Hạ.  Cơ thể nàng căng ra trong cảm giác vừa đớn đau vừa tiếc nhớ.

Cuộc chiến bi thảm mấy mươi năm đã để lại trên quê hương này, trên mặt đất này bao nhiêu người phụ nữ như Diệu, như người phụ nữ trẻ kia?  Tuổi thanh xuân bị tước đoạt, bị đánh cướp, để lại trong tâm hồn họ, trên cơ thể họ những vết thương không bao giờ lành sẹo.  Để lại bao nhiêu người mất tích không biết đã chết hay sống vô hồn nơi thâm sơn cùng cốc nào, không còn trí nhớ để tìm về nơi chốn thân yêu.  Để lại bao nhiêu con người què cụt tàn phế không nhà không cửa lê lết bến xe cửa chợ.  Để lại bao nhiêu trẻ thơ không cha không mẹ mà thiên hướng “tính bản thiện” đã bị xóa mờ vì cái đói, vì bản năng sống còn, để cái xấu đồng lõa cả một thế hệ trẻ thơ biến thành kẻ cắp.  Mười mấy tuổi đầu đã biết giết người.  Mười mấy tuổi đầu đã làm gái điếm.  Để lại bao nhiêu trũng mắt sâu hoắm vì đã khô nước mắt của mẹ già, của cha già mấy mươi năm khóc than, héo mòn chờ đợi hòa bình, chờ đợi con về, rồi bây giờ vẫn còn chờ đợi, còn khổ đau, vì các con không về, vì các con chết trên rừng, dưới biển trong những cuộc trốn chạy vì bị khủng bố, bị săn đuổi. Để lại những mảnh đời lang thang kiếm tìm trong vô vọng, như Diệu, như người đàn ông hôm nào.


Trong cảnh tịch mịch của núi rừng, tiếng gà một lần nữa lại vang lên như nhắc nhở Diệu bóng đêm rồi sẽ qua và ánh sáng của ngày sẽ đến.  Và cho dù tiếng gà vẫn còn khàn đục trong sương vẫn cứ là tiếng báo hiệu lên đường.  Diệu mở túi lấy ra mấy chục bạc, rất cảm động, nàng nói với người phụ nữ trẻ tốt bụng:

-        Em chẳng có gì nhiều, gởi chị chút đỉnh mua thêm áo quần cho cháu, hy vọng có dịp quay lại em sẽ ghé.

-        Không cô ạ.  Tôi không nhận tiền của cô đâu.  Tuy chưa biết cô là ai nhưng tôi thương tôi nên tôi mến cô.

-        Vậy thì chị phải nhận cho em.  Đây là chút tình, không phải em trả ơn trả nghĩa gì đâu.

Diệu nhét tiền vào túi người phụ nữ.  Hai người ôm nhau và hình như họ đang khóc, khóc cho nhau và khóc cho chính thân phận của họ.

Diệu hôn thằng bé lần nữa.  Tay nải lên vai, nàng cúi đầu trước bà cụ còn nằm không biết đã thức hay đang ngủ, nàng bước ra ngõ, hướng về phía khu rừng, cúi đầu đi không dám quay lại.

Buổi sáng lạnh và ướt sương, lối mòn mập mờ màu trắng đục.  Vài con chim ngái ngủ kêu lên mấy tiếng chim chíp lạc loài rồi cảnh vật chìm vào sự im lặng. Diệu vòng tay lên ngực như tự trấn an mình hãy can đảm bước đi, bàn tay nàng chạm phải hai bầu vú đang rung rung theo từng nhịp bước.  Nàng lại nghĩ tới Hạ và lâng lâng tiếc nuối một nguồn ái ân đã mất.

Nàng đến và đi cũng thầm lặng và vội vã như người đàn ông kia.  Ngoài gia đình hai người phụ nữ nàng đã gặp, cả làng hầu như chẳng ai hay biết đêm qua có một người khách lạ ghé qua và đã ra đi như “một người xa lạ”.  Người xa lạ muốn giang tay ôm trong vòng tay của mình đám cư dân nghèo đang đành cam sống bị quên lãng nơi vùng rừng núi heo hút này.

Diệu đã đi hình như cũng quá xa rồi, mặt trời lên cao và dần dần dịu lại về chiều, thế mà cánh rừng thì vẫn xa mù.  Nàng chỉ dám dừng lại bên rừng ăn vội vắt cơm, mặc dù hai chân rã rời nàng vẫn cố vội lên đường.  Hình như có điều gì thôi thúc trong lòng nên nàng cũng thấy quên đi phần nào sự mệt mõi dưới cái nắng gay gay lạnh của miền rừng hoang vắng này. Trên con đường mòn hun hút băng qua một truông dài toàn cỏ tranh và bông mua, không một bóng người. Giữa không trung vắng lạnh một con chim heo cất tiếng kêu ghê rợn.

Trong những giấc mơ của mình, hình như Diệu đã từng thấy cảnh này.  Nàng thấy nàng băng qua một vùng đồi đá hoang vu, vừa khát vừa đói và mệt lã.  Trên đầu nàng từng bầy quạ đen bay loạn xạ và kêu những tiếng kêu ma quái.  Khi nàng ngất xỉu nằm xuống bên đường, chúng sà xuống đậy trên xác nàng thành một khối đen và nàng thấy bầu trời tối như mực.  Bừng mắt tỉnh dậy nàng thấy hai bàn tay mình bấu chặc vào hai bầu vú gần rướm máu, rồi nàng khóc nức nở một mình.  Bây giờ trên lối mòn gần giống như trong giấc mơ, nàng đang cố lê chân về phía khu rừng, nơi có ngôi chùa cổ, và nàng hy vọng gặp người đàn ông hôm nào ở đó.

Trời càng về chiều khí núi càng lạnh, trong hơi thoang thoảng của gió có mang theo chút hiu hắt của sương chiều, rồi mặt trời khuất hẳn sau núi như vội vã đi về một cõi nào để trả lại mặt đất cho màn đêm.  Diệu vừa đi vừa nhìn bóng mình tối dần, tối dần, hòa vào không gian mờ mờ leo lắt những vì sao xa.  Lần đầu tiên trong cuộc hành trình Diệu cảm thấy sợ sợ bóng tối, dù nàng đã vẫn thường ngồi tì tay vào khung cửa sổ lặng yên trong bóng đêm nhìn hun hút vào cánh rừng xa.

Trời càng về khuya càng lạnh, Diệu không muốn dừng lại, vã lại ngồi một mình giữa truông dài mông quạnh này càng thấy sợ hơn là cứ lầm lũi bước đi.  Nàng cố tưởng tượng ra cuộc gặp gỡ giữa nàng, người đàn ông và vị sư già nơi chùa cổ.  Nàng sẽ nói gì với họ và giải thích sao đây sự có mặt của nàng, một phụ nữ xa lạ giữa nơi tu hành này.  Nhưng lại cảm thấy yên tâm vì biết rằng mình sẽ đến, không phải là một nơi nguy hiểm nào, mà là một ngôi chùa, nàng sẽ nhìn thấy Đức Phật, và Ngài sẽ nhìn nàng với hai con mắt từ bi.  Rồi nàng sẽ ra sao?  Nàng tin, Đức Phật từ bi sẽ dẫn dắt nàng cho dù ước mơ của nàng đầy tính chất trần gian: nhớ về Hạ với niềm khát khao cháy bỏng ái ân.

Thế rồi không cưỡng lại được cơn buồn ngủ vì mõi mệt, nàng ngồi bệt xuống, hoàn toàn vô thức, dưới gốc một cây cổ thụ già đã bị cụt đầu.  Trăng hạ huyền phủ một lớp ánh sáng lạnh lẽo lên cảnh vật.  Nàng thiếp đi và chìm sâu vào giấc ngủ.

Hình như có tiếng chuông mõ công phu văng vẳng, lúc vang vang lúc chìm lắng như từ cõi xa xăm nào vọng về.

Một con chó màu trắng điểm những đốm vàng từ trong chùa chạy ra như cảm nhận được có người lạ, nó sủa mấy tiếng và chạy đến bên người khách đang ngủ mê man, nó gầm gừ nho nhỏ, cẩn thận bước đến gần, thấy không có gì nguy hiểm, nó đưa mũi ngửi ngửi người lạ, rồi thân mật liếm vào chân tay, ve vẩy cái đuôi như chào đón.

Diệu ngủ say sưa không hay biết gì.  Vị sư già, sau buổi kinh công phu, Ngài thiền tọa một thời gian, ngày nào cũng vậy, xong Ngài đi một vòng quanh chùa, thấy con Cừu Nâu, tên chú chó, Ngài bước thẳng ra, nhìn thấy Diệu, Ngài hơi ngạc nhiên:

-        A Di Đà Phật!

Sương lạnh đọng một lớp trắng trên áo quần, trên tóc của người phụ nữ.  Vị sư già quay vào trong gọi, giọng nhỏ nhẹ:

-        Con ơi, mang ra cho thầy cái chăn.

Một lát sau, một chú bé, áo quần nâu, tóc để chổm, mang cái chăn ra.  Theo lời thầy chú quàng tấm chăn lên người phụ nữ đang ngủ.  Trước khi quay vào chùa, thầy dặn chú tiểu:

-        Con ở đây một lát, khi nào cô ấy thức dậy thì dẫn vào gặp thầy.

-        Ta vào thôi con.  Ngài nói với con chó.
***

Trời đã rạng sáng.  Diệu ngủ ước chừng bốn tiếng đồng hồ. Nàng tỉnh dậy, đưa tay dụi mắt.  Một cánh rừng xanh bốn bề lạnh ngắt và se lạnh.  Nàng hơi ngạc nhiên vì tấm chăn choàng lên người.  Sau một giấc ngủ sâu, nàng thức dậy tỉnh táo và khỏe khoắn hơn.  Nàng đoán là mình đã đến gần chùa.  Thật ra lối mòn dẫn đến cổng chùa là hết.  Muốn vào sâu trong rừng phải đi một lối ở sau chùa.  Nàng không để ý chú tiểu ngồi ngủ gật bên cạnh vì nàng mãi nhìn ngược về lối mòn mà nàng vừa mới qua.  Diệu nghĩ có ai đó đã đem chăn đắp cho nàng.

Chú tiểu giật mình vì con Cừu Nâu đang vờn quanh chỗ chú ngồi.  Thấy người khách lạ đã thức, chú chắp tay trước ngực:

-        A Di Đà Phật.  Cô đã dậy rồi, cháu thấy cô ngủ ngon lắm nên…

Diệu cũng giật mình quay lại:

-        Chào cháu, đây là đâu?

-        Mô Phật.

-        À, chào chú, chú ở trong chùa gần đây phải không?

-        Dạ.  Thầy dặn cháu khi nào cô thức dậy thì mời cô vào.

-        Bao xa nữa thì tới chùa chú?

-        Chùa đây rồi, từ đây vào vài trăm mét, chắc là thầy đang đợi cô.

Diệu nhìn theo hướng tay chú tiểu chỉ vào bên trong, chỉ thấy những cây cổ thụ cành lá sum suê xanh ngắt gió đang làm lay động.  Nàng đứng lên vuốt lại mái tóc lòa xòa, tay nải vẫn còn vướng trên vai, nàng hỏi chú tiểu:

-        Chú tên gì vậy?

-        Dạ thầy thường gọi cháu là Tiểu Khê

-        Chú Tiểu Khê này?

-        Dạ.

-        Có khi nào chú thấy có một người đàn ông lạ vào đây như tôi hôm nay không?

Tiểu Khê không trả lời câu hỏi của Diệu, chú giục:

-        Chúa đưa cô vào giếng chùa rửa mặt đã, rồi vào gặp thầy.

Nói xong chú thoăn thoắt bước đi, con Cừu Nâu cũng ve vẫy đuôi chạy theo chú, không quên quay lại nhìn Diệu kêu ư ừ mấy tiếng như cũng muốn mời mọc thân thiện.

***

Vị sư già ngồi chờ Diệu sau hậu liêu, nơi một căn phòng được ngăn ra làm phòng tiếp khách thập phương, phòng này ăn thông với gian nhà tăng, kế đó là phòng trai và giàn bếp.  Theo chân chú tiểu, Diệu bước vào. Vị sư già đang ngồi nói chuyện, uống trà với một người đàn ông, người này xoay lưng về phía nàng, nàng chắp tay chào vị sư.

-        Con chào thầy.

-        A Di Đà Phật.

Người đàn ông quay lại, không giấu nỗi ngạc nhiên:

-        Trời! Là cô sao?  Sao cô lại đến đây?

-        Hai người biết nhau à?  Vị sư già hỏi. Cô ngồi xuống đây.

Diệu nhìn người đàn ông đã một lần ghé chỗ nàng và đã ra đi như một kẻ hành hương vô định.  Diệu ngồi nép phía sau người đàn ông, giọng nàng không giấu nỗi vui;

-        Dạ bác đây có ghé chỗ con một lần rồi đi, dễ chừng cũng mấy tháng rồi.  Từ đó cháu cứ nghĩ tới bác, và cũng từ lâu cháu có ý định viếng chùa.

Nàng chưa thể nói rõ mục đích của chuyến đi này.

Vị sư già nhìn nàng rồi lại nhìn người đàn ông:

-        Ông đây đã nói với tôi về việc đi tìm người con thất lạc trong chiến tranh.  Thật ra đây không phải là trường hợp duy nhất tôi gặp.  Ông đây định vào sâu trong rừng nhưng tôi can, vì từ đây vào chi núi rừng trùng điệp, không có bóng dáng con người. Một mình lạc lỏng trong rừng núi đèo cao hố thẳm, bao hiểm nguy.  Mà tìm gì?  Tìm một con người trong cõi vô minh đó sao?

Vị sư già trầm ngâm một lát như muốn nói gì thêm về con đường giải thoát, về nơi, mà con người phải tìm kiếm, phải đến.  Những con người đang ngồi trước Ngài đây chưa thoát ra khỏi những mông muội trần gian.  Ngài, đôi khi còn thấy bản thân mình còn quẩn quanh. Nhưng Ngài, Ngài đã biết chọn cho mình CON ĐƯỜNG, và chỉ duy nhất CON ĐƯỜNG đó mới giải thoát được.  Vị sư già hớp một ngụm trà nóng, phong thái ung dung như một đạo sĩ.  Ngài không béo mập như phần đông các vị tu sĩ khác, dáng Ngài ốm, cao và quắt thước, đôi mắt tinh anh và bao dung.  Ngài nhìn về đâu thì hình như ở nơi đó trở nên bình yên, và kẻ đối diện với Ngài thấy an tâm và từ đó lóe ra niềm hy vọng không lý giải được vì đâu. Ngài đổi cách xưng hô, nhìn Diệu ôn tồn:

-        Con không nói ta cũng biết trong lòng con thế nào.  Con đang còn một nỗi đau đớn trần gian, con đang bị những khát vọng cào xới tâm hồn.  Ta cũng biết con nghĩ gì về những điều ta vừa nói.

Quay về phía người đàn ông vị sư già tiếp:

-        Như ông đây cũng vậy.  Không tin vào sự giải thoát sau cùng, không biết cầu nguyện.  Con đến đây, dù chẳng nói với ta, ta cũng biết con đang đi tìm gì.  Con đi tìm chính con, phải không?  Con cảm thấy mình mất chính mình, mình đã thuộc về một khối vật thể khác.  Ta nói chắc con hiểu.  Nhưng thôi…

Diệu lễ phép:

-        Dạ thưa thầy…

-        Khoan.  Để ta nói cho con yên lòng, như ta đã nói với người này.  Ngài chỉ người đàn ông, chúng sanh vạn khổ vô minh.  Phật pháp mênh mông vô lượng.  Ta luôn đón nhận các con với lòng từ bi.  Các con có thể đi, dấn sâu vào cuộc kiếm tìm mù mịt, nhưng ta vẫn mong các con dừng chân, đây mới là nơi con cần tìm đến.

Người đàn ông từ sớm đến giờ vẫn yên lặng lắng nghe, không biểu hiện một phản ứng nào trên gương mặt, bây giờ quay về phía sau, vừa nhìn Diệu vừa nhìn ra khoảng sân sau nơi có một người đang đi tới đi lui, miệng lẩm bẩm như đang đọc kinh Phật.

-        Cô à, mà cô tên gì nhỉ?  Còn tôi, trước kia người ta vẫn thường gọi tôi là thầy giáo, thế thôi, không ai gọi chính xác tên tôi là gì.  Thầy giáo cô ạ.

-        Cháu là Diệu.

-        Cô hãy nhìn ra phía sau, ngoài sân kia.

Diệu nhìn ra.  Người thanh niên vẫn đi tới đi lui ung dung tự tại như một bậc thiền giả đang hành thiền.  Cái vòng sân vừa đủ rộng bấy giờ hình như đối với anh ta nó cũng vô bờ vô bến.  Anh ta đi như một kẻ đi trong cõi vô cùng.  Người anh cao, nhưng dáng đi hơi khom về phía trước.  Anh vận một bộ đồ màu nâu, đôi tay hơi ôm lại, đầu tóc khô cháy, khuôn mặt anh chìm khuất dưới bóng mát của mấy cây đại, Diệu nhìn không rõ.  Anh bước đi thật bình thản, mắt nhìn xuống mặt sân như đi chỉ là đi, đi nhưng không đợi chờ nơi đến.


Vị sư già nhìn về phía người đang đi lại trên sân, ánh mắt của thầy toát lên vẽ nhân ái từ bi.  Cả ba người đang quan sát bậc thiền giả bước đi ung dung lạ thường.

-        Người ta đưa anh ta đến đây gần hai năm rồi, vị sư nói, một nhóm người đi tìm trầm hương, một tối nọ họ đưa anh ấy đến đây.  Họ kể: Toán của họ gồm bốn người, vào tận non cao dựng lều và chia nhau đi tìm những cây gió, loại cây cho một thứ trầm hương rất quý.  Ngày đi, tối về lều.  Một hôm họ phát hiện thức ăn trong lều bị mất.  Lúc đầu họ nghĩ lũ khỉ tinh nghịch vào phá.  Nhưng sau họ rình.  Và đúng là có một con người chứ không phải lũ khỉ.  Đấy, con người đang đi đi lại lại ngoài kia.  Cả người anh ta đầy thương tích, có chỗ vẫn chưa lành, tóc tai cháy sém, khuôn mặt dị dạng trông thật kinh khủng.  Chỉ, rất lạ, và nhiệm mầu, đôi mắt anh ấy vẫn nguyên vẹn.  Trí nhớ không còn.  Không nói được.  Họ bắt được anh ấy, cho ăn uống, thay áo quần, tắm gội. Và họ đành bỏ chuyến đi tìm trầm, mang anh ấy đến đây…

Vị sư già ngừng kể, nói với hai người:

-        Chúng ta ra gặp anh ấy.

Ba người cùng bước ra sân. Người thanh niên vẫn bước đi theo từng chu kỳ, không để ý đến ai.  Thoạt nhìn Diệu hốt hoảng.  Diệu bỗng nhớ tới gương mặt của một nhân vật trong phim, một nhạc sĩ bị cháy bỏng vì acid trong xưởng in.  Vị sư dừng lại trước người thanh niên, giang hai tay như muốn ôm.  Anh dừng lại, nhìn vị sư, nhìn hai người khách, cái nhìn thân ái.

-        Đi - đi - đi.  Sẽ - đến - sẽ - đến - sẽ - đến.

Người thanh niên chỉ ú ớ và đưa tay chỉ vào bàn chân, chỉ vào tràng hạt vị sư đang mang ở cổ.  Anh xòe bàn tay và nhìn vào đó như tìm kiếm điều gì.  Vị sư lại nói:

-        Không đi, không dừng lại, không đến đâu.

Người thanh niên đưa một ngón tay chỉ vào khoảng không.  Vị sư tiếp:

-        Đi đi đi đi. Sẽ đến sẽ đến sẽ đến sẽ đến. Không đi không dừng lại không đến đâu.

Người thanh niên bỗng cười, giọng cười của một đứa trẻ thơ, vị sư cũng cười, giọng cười hiền như tiếng róc rách chan hòa của suối.

Diệu không hiểu gì cả.  Người đàn ông thì chứng kiến cảnh này nhiều lần.  Ông ta nói:

-        Họ là hai con người không phải con người bình thường.  Họ đang bước lên trên con người.

-        Cháu chẳng hiểu gì cả.  Diệu nói.

-        Tôi cũng không hiểu gì hơn.  Người đàn ông nói.

Vị sư già quay về phía hai người khách:

-        Hai vị đang đi tìm…Tìm một con người hay tìm chính bản thân mình.  Nhưng không bao giờ gặp, phải không?  Tôi chẳng tìm ai.  Tôi thấy tôi trong người này, và người này đã thấy tôi trong anh ấy.  Chiến tranh ư?  Thì cứ gọi đó là chiến tranh.  Anh đã tự bắn vào người nhưng anh cũng đã tự bắn vào anh.  Viên đạn ghim vào tim người nhưng tim anh chảy máu.

Ông đến vỗ vai người đàn ông:

-        Ông không tin vào những gì ngoài ông, thánh thần, Phật, Chúa.  Ông bảo ông chỉ tin vào ông.  Nhưng ông thấy đó, ông đang tự đánh lừa ông.  Chiến tranh cũng là trò đánh lừa.  Con người tạo ra chiến tranh để đánh lừa nhau và tự đánh lừa mình.

Vị Sư già lại đến bên người thanh niên, lúc này đã ngồi xuống một tảng đá dưới gốc cây đại, tay anh cầm một cánh hoa màu vàng phai, anh nhìn vào cánh hoa và cười một mình, cười không thành tiếng, nụ cười của anh hiền lành vô cùng dù khuôn mặt của anh dị dạng chẳng giống mặt người.

-        Đây, người này đây, vị sư già nói, là một vật hy sinh bị đẩy vào trò chơi chiến tranh của con người, tôi tin chắc thế.  Và bây giờ, anh ở đây, như một đứa trẻ con với khung cảnh chung quanh.  Chiến tranh.  Hòa bình? Làng mạc quê hương?  Cha mẹ anh em?  Bạn bè người yêu?  Tất cả đối với anh ta không hơn một mảng sương mù, một mảng sương mù bay qua sớm chiều tan biến…

Diệu nhìn người thanh niên, một ý nghĩ chợt hiện ra trong đầu: “Có phải là anh không?”  Và trong đầu người đàn ông: “Trời ơi! Có phải là con ta?”  Nhưng rồi không ai, cả hai người, dám tin đó là người thân yêu của mình.  Không thể như thế được.  Sau trò chơi tàn khốc của chiến tranh, quá bất công, quá dã man, nếu họ phải nhận lại một phần ruột thịt của mình dưới lớp hình hài đó.  Sau những mất mát bi thương, sau những kiếm tìm vô vọng, họ được đền trả như thế sao?

Vị sư già như đọc được ý nghĩ thầm kín của hai người khách, ông vừa ngồi xuống bên người thanh niên lúc này đang chìm sâu vào giấc ngủ, đầu tựa vào gốc cây đại.

-        Không có gì ràng buộc hai vị tin rằng đây là con người hai vị đi tìm trong bao năm nay.  Không có một yếu tố nào chắc chắn khẳng định điều này.  Đúng không?

Hai người “dạ dạ”, nhưng không dám nói gì.  Vị sư tiếp:

-        Nhưng tôi tin rằng, hai nười có thừa lòng thương yêu để thương yêu con người này.  Phải không?

Ngưng một lát nhà sư tiếp:

-        Hai người cũng thừa biết rằng sau cuộc chiến tranh này sẽ tiếp diễn một cuộc chiến khác, có khác nhau về hình thái và mục đích nhưng giống nhau về hậu quả mà nó gây ra.  Và những con người như con người này, đã có, hiện còn và sẽ còn, ở đâu đó trên mặt đất này, nơi một cánh rừng hoang, một đỉnh núi cao, một hang thẳm.  Chắc chắn là còn như thế.

Diệu thật thà:

-        Thưa thầy, bây giờ hòa bình rồi, con có thấy chiến tranh nào khác đâu.

Vị sư già cười, nụ cười hiền như một vị Bồ Tát.

-        Người ta có một khái niệm đơn giản về hòa bình và chiến tranh, con ạ.  Con cũng vậy.  Người ta không còn lăm lăm họng súng vào nhau, người ta không còn đêm đêm nã pháo về thành phố, người ta không còn đem máy bay rải bom trên đất nước này.  Và người ta cho đó là hòa bình…Khi nào còn có con người trên lục địa này, khi đó chiến tranh vẫn còn con ạ.

Người đàn ông im lặng rất lâu, giờ mới lên tiếng:

-        Thưa thầy, tôi không bao giờ tin rằng nhân loại sẽ có một ngày hòa bình.
-         


Người thanh niên chợt tỉnh giấc, đứng dậy, không nhìn ai, vừa mỉm cười vừa bước đi.  Anh lại tiếp tục đi vòng quanh sân như đi trong cõi vô cùng.  Vị sư già vừa nhìn cười vừa nói:

-        Ôi. Như vậy là không bao giờ có hòa bình.  Hòa bình chỉ là ảo tưởng.  Đức Phật đản sanh, Đức Jésus giáng thế, hơn hai ngàn năm rồi mà nhân loại đâu có hòa bình. 

Diệu thưa:

-        Con thì con không nghĩ như thế.  Xa xôi quá.  Con chỉ cần gặp anh ấy.  Sống một cuộc đời bình dị, ở một nơi nào đó, thật yên tĩnh.  Chúng con yêu thương nhau, không lo âu, không sợ sệt.  Với con như thế là đủ rồi, là hòa bình rồi.

-        Vâng.  Vị sư già nói.  Đúng như thế nếu tâm lý con người trên hành tinh này đều mong ước như con.

Người đàn ông cười ha hả:

-        Than ôi, buồn là trong tâm lý con người đó may mắn lắm chỉ có vài ba người mong ước đơn giản như cô thôi. Số còn lại sẽ vẫn cầm súng bắn vào nhau dưới đủ mọi lý do, kể cả tự nguyện và bị bắt buộc.


Sư già chắp hai tay trước ngực, miệng lẩm bẩm đọc kinh, ngài bước đi chậm rải hướng về phía chánh điện.  Người thanh niên cũng dừng lại, đến ngồi dưới gốc cây đại.

Diệu nhìn người đàn ông, nhìn người thanh niên, rồi nhìn xuống ngực mình, nàng thấy xao xuyến và cay đắng.  “Sao anh không về dù hòa bình”.  Nàng nói như nói với chính mình.

Người đàn ông nhìn người đang ngồi xếp bằng dưới gốc cây đại bất động như một pho tượng.  Anh mở to đôi mắt trong sáng lạ thường nhìn suốt vào khoảng trời xanh trên đầu. Người đàn ông bước đến bên, khẽ đặt một tay lên vai anh.  Ông ngồi xuống, ông nhìn anh như chợt vừa bắt gặp, như chợt thấy ra, như chợt tỉnh thức, ông tựa người vào anh và nhắm nghiền mắt lại.

Trong lòng Diệu bỗng nghe nôn nao một âm vang mời gọi, nàng thấy trào dâng đến nức nở tiếng thôi thúc của yêu thương, của ân phước cao vời.  Nàng bước đi những bước nhẹ như trong chiêm bao, nàng ngồi quỳ gối bên người thanh niên, nắm tay anh như cầm nắm nguồn hạnh phúc cứu rỗi, nhưng trên hai mắt nàng, đôi dòng lệ lóng lánh ánh mặt trời chảy xuống mằn mặn trên môi đang cố mím chặt để khỏi bật ra tiếng khóc.

-        A Di Đà Phật.

Vị sư già quay nhìn họ, ánh nhìn tỏa xuống điệu đàng như còn sợ cái pho tượng gồm ba con người tan chảy ra và bay đi như những đám mây ngũ sắc đủ hình thù vẫn thường hiện ra và tan đi trong không gian xa lạ.

Lê Nam Phương (Lê Văn Trung)
Quê nhà 1979

Thư Quán Bản Thảo Cái Bè nhà thơ Lê Văn Trung.