BÀN CHÂN GỬI LẠI
LÊ NAM PHƯƠNG (thi sĩ LÊ VĂN TRUNG)
(tặng Phan Xuân Sinh)
-
Thiếu úy! Thiếu úy! Em nghĩ chắc vùng này đây.
-
Tui xin ông, đừng có một thiếu úy hai thiếu úy. Bây giờ tui là công dân hạng ba. Ông có biết toa tàu hạng ba không? Người nhốt chung với súc vật. Thế đó.
Quay về phía Nga, Sang hỏi:
-
Em mệt chưa? Nàng đang đứng
tựa vào một gốc cây khô, dùng tay gạt gạt mồ hôi trên trán. Nàng mỉm cười, vừa nói vừa nhìn sâu vào cánh
rừng.
-
Anh Tùy đừng gọi ảnh là thiếu úy nữa, phải gọi là ngài Đại tướng,
phải không anh?
Sang thầm nghĩ trong đầu:
Ừ nhỉ, ngày xưa anh thường nói đùa với Nga là chắc phải lên đến Đại tướng
thì cuộc chiến tranh này mới chấm dứt.
Nhưng mới mang cái hàm thiếu úy chưa ấm ngực thì người anh em thân mến
nào đó ở bên kia đã dành cho anh một trái mìn.
Trái mìn oan nghiệt đó đã giữ lại của anh bàn chân phải. Cám ơn người anh em vô danh nào đó. Cám ơn nhà thiên tài nào đó đã sáng chế ra quả
mìn. Anh giải ngũ với tỉ lệ thương tật
75%. Nga khóc một tuần. Anh nốc bia một tháng. Dm! Thế
là ấm đời nghe con. Từ nay không còn
chui nhủi từng đêm từng ngày trong rừng sâu, trong làng mạc hẻo lánh, không còn
sợ người anh em thương mến nào đó giương súng nhắm vào ngực anh, nơi trái tim
anh đang đập, nơi cất giấu đôi mắt của Nga.
Ô hô! Thế là tao nghĩ chơi nghe tụi bây.
Hãy cố mà chơi cho hết mình nghe các con. Hỡi thằng Thi, thằng Kiếu, thằng Thao. Hãy tập làm người máu lạnh. Bắn không thương xót. Càng nhiều đứa chết tụi mày càng mau lên tướng. Hãy ngủ với muỗi rừng. Ngày mai về ngủ trên nệm êm. Caravel Continental. Hãy cố uống nước bùn có mùi nước đái trâu.
Ngày mai về nốc Whisky. Hãy ôm xác bạn
bè mà ngủ qua đêm vì trực thăng tải thương không tải kịp. Mai về tha hồ ôm mấy em, từ loại 10 đô la đến
100 đô la. Ô hô. Tao nghĩ chơi rồi. Từ giã tụi mày. Giã từ núi rừng Trung Việt. Giã từ giày trận, nón sắt. Giã từ bản làng xơ xác. Giã từ xác chết. Giã từ ngày khát cháy khô, đêm lạnh cóng bầm
tím thịt da. Giã từ. Giã từ.
Tao sẽ về ngồi trong ngôi từ đường của dòng họ, ngôi từ đường mà đạn
pháo làm tung mất một mái. Ông bà tổ
tiên không được ngồi yên trên bàn thờ, vung vãi bài vị các ngài. Tao sẽ về trong ngôi từ đường, nhặt từng mảnh
gỗ có khắc những dòng chữ mà tao không thể đọc được, nhưng với tao đó là những
dòng bí nhiệm. Tao sẽ khám phá theo cách
của tao, sẽ trò chuyện với các ngài theo cách của tao. Hãy vui lên đi nghe các con. Tao đếch cần tụi mày thương hại. Mà tụi mày phải mừng cho tao chứ. Tao bây giờ buổi sáng nốc bia. Buổi trưa nốc bia. Buổi tối nốc bia. Có người yêu ôm trong tay. Có người yêu làm tình làm tội. Có người yêu đẩy xe lăn đi khắp phố phường.
Hãy bắn giết thật nhiều mà lên tướng. Tự do nô lệ cái con khỉ khô! Đứa nào cũng ra rả, tao nghe mà lợm giọng.
-
Anh nhớ tới ai mà xa xôi thế?
Nga dịu dàng đến bên anh, ấn vai anh ngồi xuống bên cạnh. Nàng mở xắc lấy chai nước.
-
Anh Tùy uống nước đã.
Tùy đến bên một lùm cây còn ít cành xanh, ngồi xuống đó. Buổi trưa thinh lặng. Cây rừng thưa thớt và khô. Vài con chim thảng
thốt bay lên kêu những tiếng kêu buồn rười rượi.
-
Chị với ông Sang uống đi, tui không khát. Ông Sang nè, ông phải cảm ơn cái thằng nào đó
gài trái mìn cho ông giẫm lên, chỉ xin của ông có một bàn chân. Nếu không có quả mìn đó ông đã banh ngực vì một
thằng kia ngay sau đó rồi.
-
Thì tui đã nói mà, vô cùng cảm ơn trái mìn ân huệ, vô cùng cảm
ơn người anh em nào đó. Tui càng cảm ơn
trời đất nữa. Ngày đó mà tôi xanh cỏ rồi
thì bây giờ Nga đã tay bồng tay bế với một thằng nào đó trong đám bạn của
tôi. Phải không em?
Nga trừng mắt nhìn Sang:
-
Dĩ nhiên! Không biết chừng lại có vài chú nhóc đen như than hầm,
bây giờ Nga đã tót sang Mỹ rồi, chứ đâu có lầm lủi theo cái anh chàng thương
binh cụt giò này đâu.
Sang bỗng cười ha hả.
-
Ông nghe không? Ấy, đời
nó là thế. Mà em cũng phải cảm tạ đất trời
nghe. May mà còn có anh để lầm lủi đi
theo. Chứ không thì cũng có nước đi bán
bia ôm thôi.
Nga cấu nhẹ vào vai Sang:
-
Ừ nhỉ, biết đâu đấy.
Tùy đưa mắt nhìn khắp khu rừng:
-
Ông nhận ra vùng này chưa?
Hình như ông bị nơi kia kìa, gần cái mô đá tổ ong đó. Rồi!
Đúng rồi!
Như sực nhớ ra điều gì, Tùy bước đến bên Sang trong khi Nga dùng
cành cây quạt quạt cho mát.
-
Ông có nhớ trước khi trực thăng bốc ông đi, ông nói gì với tôi
không?
-
Nhớ chứ.
Tùy quay về phía Nga đang mở to mắt chú ý nghe.
-
Chị biết không? Lúc ấy
bàn chân anh ấy đứt lìa, máu ra nhiều lắm, người anh ấy xanh mét, nhưng vẫn còn
tỉnh táo. Ảnh nắm tay em và dặn: “Tùy nhớ
chôn dùm cái bàn chân của mình. Đừng để dòi
bọ nó gặm nhấm, mình đau lắm. Nhớ giúp
mình. Mình sợ lắm!”
Lúc ấy em thấy buồn cười lắm nhưng cũng
phải làm theo ý của anh Sang. Và em đã
chôn cẩn thận. Sau này mỗi lần về phép
em đều đến thăm anh Sang, lúc đó em cũng đã gặp chị rồi. Lúc nào ảnh cũng hỏi đã thật chôn cái bàn
chân chưa.
Ngừng một lát Tùy tiếp:
-
Thật ra thì em đã chôn rất cẩn thận, lại còn lấy một mảnh mìn
chôn theo, và đúng là em chôn ngay mô đá tổ ong đó. Đúng rồi.
Tùy mở ba lô lấy ra một cái xẻng cá nhân, loại xẻng trước kia quân
đội Cộng Hòa dùng để đào hố cá nhân, anh nôn nao định bắt tay vào việc đào bới
ngay nhưng Sang ngăn lại:
-
Khoan đã. Chúng ta nghĩ
ngơi và ăn cái gì đi.
Quay sang Nga anh nói:
-
Em trải tấm ni lông dưới bóng mát lùm cây kia, anh sẽ mang túi
xách tới.
Nga ngoan ngoãn làm theo, nhưng chân tay chị bỗng run run. Một cảm giác ớn lạnh chạy khắp người chị. Một người đi đào bới tìm kiếm chính một phần
xương thịt của mình. Thật kinh khủng và
bi thảm. Lại nữa, phần xương thịt đó mất đi mà được xem như là một may mắn, một
sự may mắn làm chảy nước mắt. Mỉa may
thay!
Vừa bày thức ăn ra tấm ni lông.
Sang nhìn Nga:
-
Anh không hiểu em nghĩ thế nào về việc này, nhưng với anh, anh
thấy cần thiết vô cùng. Anh không thể
mang cái ý nghĩ làm một con ma què cụt.
Bàn chân của anh, anh phải đem về, sau này nếu phải đến lúc vĩnh biệt
cõi trần gian, nó sẽ được nằm chung với xác thịt của anh trong một nấm mồ, anh
mới an tâm. Dù khi sống, anh là một người
què cụt, nhưng khi chết đi anh không thể làm con ma què cụt được. Làm người chưa trọn vẹn thì cố làm con ma cho
trọn vẹn.
-
Anh nói chi nghe mà buồn quá.
-
Thiếu úy, à, anh Sang, khi anh nằm quân y viện có một ông chuẩn
úy mới ra trường bổ sung, thay anh, anh biết sao không? Cầm quân chưa được một
tuần, lãnh ngay quả B 40. Tụi tôi phải
trải tấm poncho ra nhặt từng mẫu thịt, xương, vung vãi khắp nơi, gom lại cũng gần
đủ. Chỉ thiếu một cái chân. Nguyên một cái chân. Lạ thật.
Chuẩn úy Hải. Anh biết ông này
không? Trẻ măng.
-
Không. Nhưng không tìm thấy
cái chân thật à?
-
Thật. Gia đình thân nhân
không biết. Họ chỉ nhận được chiếc quan
tài đã phủ cờ và hoa.
Sang thở dài.
-
Tội nghiệp. Vậy là anh ta
phải làm một con ma què cụt. Sao không kiếm cho anh ta một cái chân giả?
Nga xen vào.
-
Anh kỳ thiệt. Ai lại đi lắp
cái chân giả cho một xác chết.
-
Ừ nhỉ. Ai lại đi lắp cái chân giả cho một xác chết.
Rồi anh nói như nói với chính mình.
-
Chắc tôi phải tìm cho anh một cái chân, anh bạn ạ.
***
Vài ba người phụ nữ đi nhặt củi khô, theo đường mòn từ trong rừng
đi ra, ngang qua chỗ ba người lạ đang ngồi, họ cũng dừng lại, đặt bó củi ở trên
đầu xuống, dùng cái nón cời quạt quạt và tò mò nhìn. Một người trong họ trông
còn trẻ lắm, nhìn cái xuổng và thức ăn bày trên tấm ni lông, rồi nhìn Nga chị hỏi:
-
Chị và hai anh đây ở đâu tới phải không?
Sang nhanh miệng đáp:
-
Vâng.
-
Vùng này ít người qua lại – Người phụ nữ trẻ nói tiếp – quanh
đây mìn nhiều lắm. Mới tháng trước đây
có một người bị mìn đấy. Dưới kia kìa –
Chị đưa tay chỉ về cuối cụm gai mắc cở cách chỗ ba người ngồi chừng trăm mét.
Người phụ nữ lớn tuổi hơn ra vẻ biết rõ khu này, nói:
-
Chúng tôi ở đây chỉ đi trên những lối mòn, tránh những chỗ khả
nghi có đánh dấu bằng những hòn đá.
Nhưng cũng may may rủi rủi. Vô
phúc thì: “Ầm!” Xong!
Nga lấy nước mời ba người phụ nữ, họ từ chối. Người phụ nữ trẻ nói:
-
Chúng tôi có đủ nước rồi.
Anh chị cẩn thận đó. Tụi tôi về.
-
Các chị về.
Ba người đi nhặt củi vừa khuất, Nga lên tiếng trước:
-
Trời ơi, em sợ lắm. Đi
tìm bàn chân của anh, biết có chưa, chưa biết chẳng may để lại thêm cái nữa…
Sang trấn an:
-
Không có gì đâu. Bây giờ
ăn xong, em ngồi đây. Anh với anh Tùy đến
đào thử chỗ mô đá tổ ông kia. Nếu không
có thì chúng ta về. Anh đành làm con ma
què cụt vậy.
-
Anh Sang à. Tùy nói, thời
buổi này tôi thấy nhiều người què cụt lắm.
Què cụt chân tay đã đành, khối thằng què cụt cả cái đầu. Ấy thế mà chúng vẫn sống phè phởn đấy.
-
Ừ nhỉ. Cái đầu què cụt mà
vẫn sống. Hay thật. Em có nhìn thấy anh bị què cụt cái đầu
không? Nga?
Nga tư lự:
-
Một cái đầu què cụt, gắn thêm một thân thể què cụt. Nó giống cái con gì nhỉ?
-
Một con người đấy chị Nga à.
Không ai phủ nhận đó là một con người.
Thế giới ngày nay xuất hiện nhiều con người như vậy. Anh Sang nghĩ mà xem. Từ Washington đến Moscow, từ Iran đến
Iraq. Ôi thôi! Chúa phải ra tay thôi! Cái con người của Ngài không vẹn nguyên hình
hài ban đầu rồi!
-
Em thấy nó lộ tùng phèo lên anh à. Đôi khi nằm mơ thấy mình mọc cái đuôi, lông
lá đầy người. Hay là đến cái thời kỳ
chúng ta trở lại con đười ươi như ông triết gia nào đó đã đưa ra cái thuyết biến
hóa gì đó.
Sang nhìn Nga đùa:
-
Như vậy em vừa công bố thuyết “lùi hóa” rồi đấy.
-
Thôi. Tiến hay lùi gì
cũng được, chúng ta ăn trưa đi. Tôi đói
lắm rồi – Tùy nói.
Ba người ngồi quanh tấm ni lông dưới cái nắng trưa đã bắt đầu dịu
lại để thời gian chảy vào buổi chiều.
Nga cắt từng khoanh bánh mì và kẹp thịt đưa cho từng người. Sang cầm miếng bánh mì đưa lên mũi ngửi, rồi
cắn một miếng, anh nói:
-
Tôi phục ông tác giả “Cái chuồng khỉ”. Hồi năm 67, 68 gì đó, tôi nghe nói về Blao
thăm anh ấy. Một hôm, cùng vợ chồng anh ngồi ăn bánh mì, như chúng ta hôm
nay. Thế là anh ấy nói về bánh mì. Tận ngọn nguồn. Qua từng thời kỳ. Chi tiết.
Rõ ràng. Có dẫn chứng. Tuyệt.
Một cái đầu siêu phàm. Bánh mì chỉ
là một đề thi nhỏ thôi đấy. Anh ấy đi từ
Hienghène, Karl Marx, Sartre, Chúa Trời, Thích Ca … Nhưng con người kỳ dị đó chẳng
công nhận ai cả. Thiên hạ nhìn anh thấy
anh có một cái đầu què quặt. Nhưng để
tìm một cái đầu như thế cũng khó lắm đấy.
Nga nhìn Sang:
-
Anh ăn đi. Nói hoài không
biết chán. Còn phải đào bới tìm cái bàn chân của anh nữa chứ.
Tùy nói:
-
Ăn xong, hai người ngồi đó mà mơ mộng. Để tôi đào.
Nghe người phụ nữ khi trưa nói chưa?
Đừng có mà đi lang thang.
-
Không. Tôi đi với ông. Em ngồi đây, cố chợp mắt một tí – Sang nhìn
Nga âu yếm – Em lận đận với anh nhiều rồi.
Đừng để anh phải ngồi mà khóc em.
Chúng ta sẽ cố xong việc, về sớm để còn nhìn cho rõ đường mòn mà
đi. Ra tới đường cái cũng mất vài tiếng
chứ không ít.
Nga nguýt Sang một cái rỏ dải:
-
Anh mà cũng biết khóc à?
Gớm! Nghe mà cảm động. Thôi em chết
cho rồi để còn được nghe anh khóc. Ôi
chao! Cái thời buổi này sao em thấy tìm
một giọt nước mắt cho tình yêu khó quá.
Anh Tùy có bao giờ khóc cho tình yêu chưa chứ anh Sang nói em nghi ngờ
quá.
-
Nói thật với chị, nước mắt của loài người đã khô cạn lâu rồi. Mấy mươi năm chiến tranh dằng dặc, con người
đã khóc triền miên qua bao đổ nát. Người
ta khóc lúc mặt trời vừa mọc ngoài ruộng đồng.
Người ta khóc lúc hoàng hôn khi chưa kịp ăn bữa cơm chiều. Người ta khóc trên nền nhà cháy rụi. Người ta khóc dọc đường tản cư. Người ta khóc trên rừng. Người ta khóc dưới biển. Khóc người thân, bạn bè. Khóc trước kẻ thù. Ôi nước mắt loài người đã tuôn cạn lâu rồi. Tuổi trẻ chúng ta đâu có khoảnh khắc nào yêu
đương. Mà có đi nữa thì nước mắt cũng khô cạn rồi chị ạ.
-
Anh nói chi nghe mà rầu thúi ruột.
Nga trầm ngâm, nhìn Sang rồi nhìn xuống ngực mình nơi hai bầu vú
của nàng đang rung lên thổn thức như ngầm nói với trái tim nàng: Không!
Vẫn còn có TRÁI TIM. Trái
tim con người. Trái tim nhân loại. Không thể khô cằn như thế.
Nga ngồi buồn rười rượi.
Hai người đàn ông mang dụng cụ đi về phía mô đá tổ ong cách đó non trăm
mét. Nàng nói vói theo:
-
Đi cẩn thận nghe hai anh.
Nhìn kỹ chỗ nào có dấu mòn mà đi.
Sang quay lại:
-
Cảm ơn em. Đừng căng thẳng
quá như thế. “Anh không chết đâu em”.
Sang vừa hát vừa khập khiễng bước theo Tùy. Mặt trời đã dịu hẳn. Tùy đến bên mô đá tổ ong, xác định lại vị
trí. Dấu vết hơn ngần ấy năm vẫn chưa bị
thời gian làm thay đổi nhiều. Chỉ có mô
đá tổ ong hình như nhô cao hơn. Có lẽ do
đất bị xói mòn.
-
Thấy có gì lạ không anh Tùy?
Anh có ngại gì không? Hay để tôi
đào cho. Anh đến chỗ Nga ngồi nghĩ đi. Lỡ có nổ thì một người lãnh. Dại gì mà hai thằng cùng lãnh.
Sang tần ngần nhìn Tùy và nói thế nhưng Tùy cương quyết:
-
Không có gì đâu, thiếu úy, à, anh Sang à. Chẳng lẽ mìn rãi trên
từng phân vuông sao? Tôi chỉ nghe người ta nói đi tìm xác đồng đội, thân nhân
chứ chưa bao giờ nghe người ta nói về một người đi tìm chính thịt xương của
mình, như ông, ông Sang à.
-
Anh Tùy biết không, tôi thường nằm mơ thấy mẹ tôi, bà nói với
tôi: “Con có cái bàn chân giống bàn chân bố con lắm!” Rồi bà khóc.
Tỉnh giấc, tôi co chân lên sờ vào cái chân bị cụt, và không thể nào ngủ
lại được.
Trầm ngâm một lát rồi anh tiếp:
-
Mẹ kiếp, vào cái lúc mà trên sống dưới chết, vào cái thời con
người luôn đi trong bóng đêm của thần chết, cụt mất cái chân để được ra khỏi
bóng đêm đó. Mẹ kiếp, lúc đó tưởng mình
may mắn. Mình lại cảm tạ đất trời, cảm
ơn cái thằng ôn dịch nào đó đã gài trái mìn.
Để rồi bây giờ đi đứng trong thế giới của những con vượn hai chân này
mình lại thấy khổ sở. Thôi thì, như tôi
đã từng nói với ông: ĐÃ LÀM MỘT NGƯỜI CHƯA TRỌN VẸN THÌ CỐ MÀ LÀM CHO TRỌN VẸN MỘT
CON MA, đừng làm một con ma què cụt.
Tùy cặm cụi đào. Bỗng anh
la lên:
-
A! Đây rồi! Còn đây ông Sang ơi.
Tôi thấy nó rồi.
Sang vội vồ tới, chụp cái xẻng nơi tay Tùy:
-
Để tôi. Để tôi.
Rồi anh bỏ cái xẻng sang bên.
-
Không được, phải dùng tay mà bới.
Anh dùng mười ngón tay của mình bới từng bụm đất nhỏ, từ từ,
thong thả, nhè nhẹ, như sợ kinh động xương cốt người chết. Hai ngón tay anh chạm phải mảnh thép, chảy
máu, máu nhỏ xuống trộn vào lớp đất nâu đen có phần xương thịt anh tan hòa
trong đó. Anh nhón tay lấy mảnh thép lên, vài lóng xương ngón chân vướng theo
màu vàng đục. Tùy đưa anh mảnh vải đỏ đã
cẩn thận mang theo. Anh trải mảnh vải
lên mặt đất, nhặt từng mảnh xương, đặt cẩn thận lên đó.
-
Mẹ ơi đây là xương thịt của con.
Anh đưa một lóng xương nhỏ cuối cùng lên hôn, cẩn thận gói toàn
bộ xương bàn chân lại, bọc thêm một lớp giấy báo rồi bỏ vào một túi ni lông. Anh ôm nó vào người, ngồi nhìn về phía Nga,
nàng cũng đang gióng mắt về phía hai người.
Sang nghe tim mình nhói đau và nhịp yếu ớt, như bao nỗi bi
thương dồn về làm trương những mạch máu, dồn nén, ứ đọng, cơ hồ sắp bung vỡ ra,
những giây thần kinh nơi chóp cái bàn chân cụt giật giật nôn nao niềm khao khát
được nối liền với bàn chân đã mất.
Thế là về với ta hỡi xương thịt của ta, về với ta hỡi một phần
cơ thể của ta, một phần nhỏ bé nhưng lớn lao vô cùng, nó đã giúp ta đi đứng
đàng hoàng những bước đi của con người.
Sang chợt nhớ tới một người bạn đã không may mắn như anh: Mai Đình Hanh!
Tao vẫn còn may mắn hơn mày hỡi Mai Đình Hanh.
Hai mươi tuổi mày đã bỏ cả hai chân nát bấy bầy nhầy nơi cánh rừng nào
đó của miền Thượng du Trung Việt. Bây giờ
tao biết mày vẫn còn sống, sống cơ cực và bi đát ở một vùng quê nào đó. Mày không còn đủ hai chân để đi về cõi chết. Mày bò lê trên mặt đất như một con thú già
nua bệnh tật không nhớ nỗi tên mình, không biết mình là ai thì làm sao biết còn
có con người trên trần gian này. Tao may
mắn hơn mày bởi vì tao vẫn còn cà thọt trên nạng gỗ, tao vẫn tìm thấy xương thịt
tao cho dù đã mục rã. Tao chưa hy sinh
cho ai, nhưng mày, mày đã hy sinh cho ai? Tuổi thanh xuân và máu thịt thanh xuân. Bắn bỏ mẹ nó đi bọn đầu cơ chính trị, bọn đầu
cơ chiến tranh. Bọn ra rã nhân danh tự
do, công bằng nhân ái. Bây giờ mày bỏ đi
như một con thú già bệnh tật có đứa nào đứng cúi đầu trước mày gắn cho cái chiến
thương bội tinh và cho mày mấy đồng trợ cấp?
Mẹ kiếp! Tao đếch cần! Cũng chỉ là trò đểu!
Ba người lần theo con đường mòn xuyên qua mấy đám cỏ dại tới những
vạc ruộng mùa này đã khô và nứt nẻ. Chạy
dọc theo mấy đám ruộng là con đường rãi đá, con dường giao thông chính dẫn tới
quốc lộ I. Hai bên nhà cửa thưa thớt lụp
xụp, mái lợp tranh thấp lè tè. Con người
ở đây lầm lì, cặm cụi làm việc, chẳng ai quan tâm tới ba người khách lạ vừa đi
vừa quan sát họ. Một vài đứa nhỏ, quần cộc,
ở trần, da đen nâu, ngồi vắt vẻo trên lưng trâu im lặng chăm chú nhìn một cánh
diều bằng giấy đang lơ lững cô độc trên cao.
Sang bước từng bước gập ghềnh, hai chân không cân đối nên dáng
đi của anh nghiêng nghiêng và hơi đổ về phía trước. Nga ái ngại:
-
Anh ổn chứ?
-
Được, không sao. Đi đứng
trong đời bằng cái chân giả thì phải cố làm ra vẻ cho nó không giả.
-
Sao lại phải rắc rối vậy ông Sang? Tùy nói.
Ông đang bước đi bằng cái chân giả nhưng là những bước đi rất thật của
cuộc đời còn lại.
-
Anh Sang thì lúc nào cũng cay đắng thế. Ngày xưa em yêu anh thế nào thì bây giờ vẫn
thế. Không ai nhìn anh khác đâu.
-
Có thể. Có thể không ai
nhìn anh khác đi. Nhưng anh? Anh nhìn quá rõ mình đã khác đi rất nhiều, em
ạ. Thí dụ thế này nhá. Khi anh lên giường
với em, vâng, thì không thể nào lại mang theo cái bàn chân giả. Và em, em có thấy hứng thú không khi thấy cái
mỏm chân cụt của anh đang ngo ngoe như cái đầu của một quái vật kỳ dị.
Nga chùng xuống:
-
Thôi anh đừng nói nữa, anh cứ mãi khổ sở thế này thì làm sao mà
sống. Mà bây giờ anh cũng đạt cái tâm
nguyện của anh rồi, và bên anh lúc nào cũng có em, có bạn bè.
Sang đọc lẩm bẩm: “May mà có em đời còn dễ thương”. Ôi Vũ Hữu Định, mày đã nói thế sao mày bỏ
đi? Đời còn dễ thương quá sao mày bỏ
đi? Nga ơi! Bạn bè ta ơi! Ta đang bước đi khập khiễng bên
các người. Bàn chân ta què cụt hay tâm hồn
ta què cụt? Nhân danh điều gì để ngợi ca
một con người què cụt đã hy sinh vì những tham vọng của những quái thai lịch sử.
-
Anh Sang ơi.
Nghe tiếng Tùy, Sang quay lại, không đợi Tùy hỏi điều gì, anh
nói: “Chúng ta đón xe về Cẫm Hải chiều nay, trước để anh và Nga thăm mộ má tôi,
và tôi gởi bàn chân này lại cho má giữ hộ.
Quay về thành phố vẫn kịp, đừng lo.
Đó không phải là một nghĩa trang rộng lớn, chỉ là một khu đất lồi
lõm lỗ chỗ những gò và hố. Mồ mã cũng
không nhiều và chôn cất bình thường, không xây gạch đá như những nghĩa trang lớn,
thường chỉ đắp một mô đất và có đặt một tấm bia ghi rõ họ tên, ngày sinh, ngày
chết của người quá cố. Một khu chôn cất
như bao khu chôn cất của làng xã Việt Nam từ bao đời nay. Mồ mã chen lẫn với vườn cây, ruộng rẫy, đôi
khi nằm ngay sau nhà. Người sống và người
chết không muốn xa nhau. Dù người chết
đã vĩnh viễn về cõi bên kia, nhưng trong lòng người còn lại vẫn cảm nhận họ còn
ở đâu đó trong từng ngóc ngách của ngôi nhà.
Họ còn ở đâu đó ngắm, dõi theo đời sống của cháu con. Và người còn sống nghĩ rằng họ sẽ được người
chết phù hộ độ trì, bởi vậy họ càng ăn ở theo đạo lý nhân đức. Họ không bao giờ quên những ngày giỗ kỵ. Sang không biết má anh có biết anh luôn
thương nhớ bà, niềm thương nhớ vô bờ đó đã giúp anh bước đi những bước khập khiễng
trong quãng đời còn lại của mình bình an hơn.
Anh tìm thấy mộ mẹ mình nhanh chóng, bởi anh rất thường về đây đốt
nhang cho bà. Sau khi thắp nhang khấn lạy
trước mộ, anh bảo Tùy đưa cái xẻng và tự tay đào một cái hố nhỏ bên cạnh phần mộ
của mẹ, hơi dịch về phía dưới một chút.
Không tháo cái bọc ra, anh cẩn thận đặt bọc vào cái hố con rồi lấp
đất lại. Xong anh nhờ Tùy khiêng một tảng
đá gần đó đặt đè lên. Lấy bó nhang Nga
đã đốt sẵn, anh một lần nữa, trước mộ mẹ mình:
-
Lạy má, đây là một phần thân thể của con, một phần nhỏ trong
hình hài con mà má đã mang nặng đẻ đau, con gởi nó đây, bên cạnh má. Mai kia chắc chắn có ngày con sẽ về đây, vĩnh
viễn bên má, còn có cái bàn chân này, con sẽ được ở bên má trọn vẹn hình hài,
má sẽ thấy con đầy đủ chân tay, không còn là một con người què cụt nữa.
Anh cắm hết bó nhang trước mộ, quày quả bước đi. Tùy và Nga vội vã bước theo anh. Ở đâu đó gần đây, vang lên tiếng chuông mõ và
tiếng kêu khóc. Hình như có một đám
tang.
Lê
Nam Phương (Lê Văn Trung)
No comments:
Post a Comment