Saturday, December 28, 2019

Bình thơ: Lê Văn Trung với Cát Bụi Phận Người -Trần Yên Hòa

Lê Văn Trung với Cát Bụi Phận Người
-Trần Yên Hòa-

*https://www.banvannghe.com/a980/tho-ban-quang-nam-xuan-thao-le-van-trung
                                                  
Lê Văn Trung

Cách đây khoảng 2 năm, một người bạn văn Quảng Nam của tôi, anh Nguyễn Đức Bạn, nhắn tôi ra cà phê Factory để gởi cho tôi một tập thơ, một một người làm thơ quê Quảng Nam, có ra một tập thơ in trong nước, gởi ra tặng tôi. Đó là tập “Cát Bụi Phận Người” của Lê Văn Trung. Tôi nhớ lại, Lê Văn Trung, một bạn Quảng Nam, đã có thơ đăng trên một số tập san văn nghệ ở Sài Gòn, miền Nam Việt Nam trước bảy lăm, nay ở trong nước, cũng tiếp tục theo nghiệp thơ, không nản chí.

Thú thật, trước bảy lăm, tôi chưa đọc một bài thơ nào của Lê Văn Trung, có thể những ngày trong quân đội tôi quá bận rộn, với súng đạn, với ba lô nón sắt, hơn là thơ văn, nên tôi không có dịp để đọc nhiều, tôi đành xin lỗi Lê Văn Trung là chưa biết tên anh. Sau này, qua những sách của Thư Quán Bản Thảo ấn hành, tôi mới biết Lê Văn Trung làm thơ cũng rất lâu, và có nhiều bài đăng trên các tập san văn học giá trị.

Lê Văn Trung được giới thiệu trong Thư Quán Bản Thảo số 34 tháng 12 năm 2008, được viết như sau: “Số 34 kỳ này có chủ đề về nhà thơ Lê Văn Trung. Một nhà thơ lớn lên trong cuộc chiến, đã có thơ đi trên nhiều tạp chí văn học của Sài Gòn năm xưa, anh và gia đình rời quê nhà miền Trung phiêu dạt về vùng đất trích kinh tế mới thuộc tỉnh Đồng Nai đến tận bây giờ.”

Vài hàng về Lê Văn Trung

Lê Văn Trung là tên thật của nhà thơ. Sinh năm 1947 tại Quảng Nam.
Năm 1969 tốt nghiệp sư phạm Quy Nhơn. Dạy học tại Quảng Ngãi.
Sau tháng tư năm 1975, anh đã trải qua những năm tháng tù tội dưới chế độ CSVN, và sau đó, là những năm “cuốc đất dọn cỏ” trên vùng đất kinh tế mới Xuân Đông, Xuân Lộc Đồng Nai mà anh gọi là “đất trích” cho đến mãi bây giờ (27 năm).


Theo sự mô tả của một số bạn bè đến thăm thì nơi anh ở là vùng đất “hẻo lánh, thôn dã, thô lậu”.
Về lãnh vực văn chương, trước năm 1975, Lê Văn Trung có thơ thường xuyên đi trên Bách Khoa, Khởi Hành, Ý Thức, Thời Tập, Thời Nay.

Tập thơ đầu tay của anh: “Cát Bụi Phận Người” theo lời anh tâm sự “sau nhiều gian nan và truân chuyên” mới được phép xuất bản.

*
Hoàn cảnh sau ba mươi tháng tư năm bảy lăm của Lê Văn Trung cũng rất khổ sở. Dù là chỉ giáo viên, nhưng Lê Văn Trung cũng bị “mất dạy” và bị tù, không biết vì lý do gì?
Tác giả Phạm Văn Nhàn đã kể về hoàn cảnh anh lúc đó như sau: (khoảng năm 72 Lê Văn Trung và vợ đổi về dạy học ở Huế):

“Mãi cho đến cuối năm 1982 - sau khi ra khỏi trại tù cải tạo - Mượn chiếc xe đạp cà tàng của đứa em, đạp xe lên huớng nhà thờ Phú Cam, tìm đến dãy lầu mà anh chị đã thuê năm 1972 - hy vọng anh chị còn sống nơi đó - Dựng xe gốc cây trứng cá già, nhìn lên dãy lầu mà tôi còn nhớ, ngơ ngác tìm kiếm. Một ông thợ hớt tóc đang hớt tóc, thấy dáng điệu ngơ ngác như muốn tìm kiếm ai, ông hỏi tôi:

“Ông tìm ai trên đó?”.

“Tôi tìm anh chị Lê Văn Trung.”

Nghe tôi nói giọng Nam, ông biết tôi ở xa đến. Ông kéo tôi ra gốc cây trứng cá nói nhỏ:

“Ông không biết gì sao?”

“Không.”

“Ảnh đi tù rồi. Ông đi đi, đừng đứng nơi đây nữa.”
...Nói xong, ông ta đi ngay. Tôi đạp xe về nhà. Trên đường, lòng buồn quá đổi. Hình như thời buổi ấy, ai nghe nói đi tù...cũng sợ.


*
Cát Bụi Phận Người

Theo Nguyễn Lệ Uyên thì thơ Lê Văn Trung “ẩn dấu đằng sau là những u uất bất tận, những u uất nhuốm mầm, những u uất tròn bóng, những cảm hoài về quá khứ xa xôi, và tâm cảm dằng xé đến nát lòng. Thơ anh như kẻ cô đơn trong tận cùng nỗi đau, như con thú hoang trong cánh rừng già không bóng thú, muôn năm là kẻ lữ hành cô độc trong cõi nhân sinh, trong chốn tình yêu không lối thoát, luôn luôn là những tìm kiếm trên những con đường đi hoài không đến, phía trước là mây bụi mịt mờ xa, thấp thoáng phận người heo hắt.

Sau đây là 2 bài thơ của Lê Văn Trung:

phương trời hiu quạnh

tôi tìm em đứt mòn hơi
hai mươi năm dấu chân người mờ phai
tìm em suốt cuộc tình dài
đường vô tận
bến chờ
ngoài nẻo không
còn gì sau cuộc phù vân
lệ tình em ướt đẫm phần mộ tôi

tôi tìm em
một phương trời
một phương TÔI
một phương người
quạnh hiu.


ta đau lòng
nhận ra hắn là ai

đừng bao giờ yêu những đứa làm thơ
càng không thể kết nghĩa tình chồng vợ
cái ngữ ấy ta đã từng ngửi thấy
thơ văn chi cơm áo có ra gì


thà em quên quách mẹ tiếng thị phi
bỏ mặc hắn xác xơ cùng số phận
nòi thi sĩ hắn không hề oán hận
chỉ âm thầm nhận lấy cái đau thương
chỉ lặng câm uống hết chén đoạn trường
nên đành có nhẫn tâm mà phụ rẫy
dù thiên cổ trước sau gì cũng vậy
bởi vì em, ơn Chúa! đã sinh ra

vốn là em, em cũng là đàn bà
sống không thể thiếu lụa là gấm vóc
mà những đứa làm thơ
cứ chuyện trời chuyện đất
chuyện trăng sao nông cạn vơi đầy
chuyện biển dâu mờ mịt đông tây
cứ đuổi mãi theo những điều không thật
những cái thế gian cho là trật lất
hắn muộn phiền trăn trở mấy mươi năm
hắn héo khô xơ xác đời tằm
cố kéo mãi những sợi tình phù phiếm
hắn quanh quẩn trong những vòng tìm kiếm
cõi con người tăm tối giữa vô minh

hắn băng qua sa mạc đời mình
cát bỏng cháy - lửa nhân tình thêu đốt
thì em hỡi sá gì đâu thân xác
của một người lạc lõng giữa đời em
của một người lạc lõng giữa trần gian
chuyện cơm áo đã ba chìm bảy nổi

thơ với rượu một cõi sầu vời vợi
Thượng đế đành quên có một linh hồn
Thượng đế đành tâm khép cửa thiên đường
hắn ngồi giữa đất trời cười ứa lệ
ôi ngàn năm chưa hết vòng dâu bể
năm mươi năm thà như một sát na
sá gì đâu không! có một quê nhà
chốn phải đến là nơi không có thực
cái quí nhất là cái vừa vụt mất
để một đời đau đáu một đời thơ

chốn phải về mù mịt giữa hư vô
hắn nhận hết bi thương cùng số phận
trái tim hắn đã đành là vỡ rạn
vẫn nghìn đời yêu quá cõi nhân gian
vẫn nghìn đời đâu há dễ em quên
dù trọn kiếp trói trong vòng hệ lụy
dù trọn kiếp đã khô mòn xương tủy

hắn là ai mà đau đáu một đời thơ
dù em nhẫn tâm quên mất nẻo về
hắn vẫn đứng nhìn dòng sông nước chảy
giọt nước mắt rơi buồn em có thấy

ta bỗng đau lòng nhận ra hắn là ai.
                    Lê Văn Trung

*
Hôm nay giới thiệu hai bạn thơ Xuân Thao và Lê Văn Trung - Lê Văn Trung với tập Cát Bụi Phận Người - tôi như tìm gặp lại những chặng đường đã đi qua của đời mình. Những kỷ niệm đầy ắp của ngày đi dạy học ở Quảng Ngãi - Quảng Tín, những ngày làm lính ở trung đoàn 6 BB, với bao địa danh Sơn Hà, Trà Bồng, Ba Gia, Đồng Ké, Nghĩa Hành, Thạch Trụ...với câu ca dao ai đặt cho đám lính Sư Đoàn 2 BB thuở đó, nghe hay hay, buồn cười và cũng đúng chút chút: «Muốn huy chương về Thạch Trụ, muốn đ...về Nghĩa Hành."

*

Sau này Trần Hoài Thư với Thư Quán Bản Thảo, đã ấn hành thêm cho Lê Văn Trung một tập thơ có tên Bi Khúc. Đó là một trường thi dài. Những khúc buồn, cho thân phận, cho quê hương, cho cuộc đời và cho tình yêu.
Còn Xuân Thao cũng sẽ được Thư Quán in cho tập: Thơ Xuân Thao...
Xin chúc mừng hai bạn.


Trần Yên Hòa
      2008

No comments:

Post a Comment