Đọc Bài Thơ "Mùa Thu Hoang Đường" của Lê Văn Trung
Châu Thạch
Châu Thạch
Vừa nhận được tập thơ “Thu Hoang Đường” của nhà thơ Lê Văn Trung gởi tặng. Thật là vui vì hân hạnh được một nhà thơ đã có danh phận từ trước 1975 ở miền Nam nhớ đến mình trong lúc mình chưa mở miệng xin. Thường thường những nhà thơ như thế mình mở miệng xin chưa chắc có, nói chi là tự nhiên cho thơ.
Lê Văn Trung
Trước năm 1975 nhà thơ Lê Văn Trung đã đăng thơ với nhiều bút danh trên các bán nguyệt san Bách Khoa, Văn, Thời Nay, tuần báo Khởi Hành, Nghệ Thuật, Tiểu Thuyết Thứ Bảy ..vv...
Tập thơ vừa xuất bản có trên 90 bài thơ, bìa đẹp, in đẹp và thơ tất nhiên là phải hay, vì đây là thơ của một cây bút đã được chọn lọc qua các nhà biên tập có văn tài văn đức của các tòa soạn thời trước. Thế nhưng hay tới đâu là tùy theo mỗi người đọc cảm nhận và tâm đắc tới đâu với thơ ấy.
Nghĩ rằng các nhà thơ thường hay lấy bài thơ mình yêu mến để làm tên cho tập thơ mình xuất bản. Do đó Châu Thạch xin lấy bài thơ “Mùa Thu Hoang Đường” trong tập thơ nầy như là một bài thơ tiêu biểu cho phong cách thơ của Lê văn Trung để viết cảm nhận của mình, hầu bày tỏ phần nào sự yêu mến với tác giả.
Theo định nghĩa “Hoang Đường” nghĩa là viễn vông, không có thật, do trí tưởng tượng mà ra. Đọc “Mùa Thu Hoang Đường” của Lê văn Trung ta thấy mùa thu thì không hoang đường, chỉ có trí tưởng tượng về mùa thu của tác giả là hoang đường thôi.
Hãy đi vào khổ đầu của bài thơ:
Hình như mùa thu chưa trở về
Hình như người còn xa rất xa
Tiếng con tàu vọng từ thiên cổ
Nghìn đời chưa đến một sân ga
Qua thơ ta biết rằng mùa thu thời tiết đến mỗi năm không phải là mùa thu của tác giả. Mùa thu của tác giả là mùa thu giao cảm trong tâm linh, nó có từ thời thiên cổ và nó không có trong sân ga đời mà tác giả đang đứng hiện nay. Thế nhưng qua thơ ta cũng cảm nhận được có sự quyến luyến vô biên giữa tác giả và mùa thu kia.
Từ đó tiếng thơ cũng thổ lộ nỗi lòng khắc khỏi đợi trông của nhà thơ. Bốn câu thơ mở đầu đã gợi cho ta một sự hoang đường rồi. Hoang đường vì tác giả chỉ “hình như” có một mùa thu như thế. Hoang đường vì mùa thu ấy còn vang vọng tiếng động trong tâm hồn tác giả như tiếng một con tàu đang chạy từ một cõi xa xôi. Tất cả là hoang đưởng. Tuy thế khi đọc thơ, lý trí ta biết là hoang đường mà tâm linh ta có niềm tin gần như một niềm tin tôn giáo, rằng đang có một mùa thu như thế. Ta hiểu rằng tác giả và ta không hoang tưởng một mùa thu. Mùa thu cho là hoang đường ấy đang ở một cõi viễn vông nào đó nhưng bóng nó hiển hiện trong lòng ta, và ta chờ nó như chờ một người yêu từ chốn xa xăm quay về.
Qua vế thơ thư hai mùa thu hiện ra rõ nét hơn:
Hình như mùa thu chưa trở lại
Và người chìm khuất như cơn mơ
Cánh chim mùa thu chừng bay mỏi
Đậu xuống hồn tôi chết sửng sờ
Và người chìm khuất như cơn mơ
Cánh chim mùa thu chừng bay mỏi
Đậu xuống hồn tôi chết sửng sờ
Hóa ra mùa thu ấy đã đến một lần với tác giả. Ở khổ thơ đầu tác giả nói răng “mùa thu chưa trở về” và ở khổ thơ nầy tác giả nói rằng “mùa thu chưa trở lại”. Thế thì mùa thu ấy đã đến với tác giả từ thuở hồng hoang và nó đã trôi theo thời gian bay mất, nghĩa là tác giả cũng đã có từ thuở hồng hoang và đã thất lạc mùa thu ấy cho đến bây giờ.
Hai câu thơ sau của khổ thơ cũng cho ta thấy, nhà thơ đã hóa tâm linh mình thành cánh chim của mùa thu ấy, bay theo mùa thu ấy, để khi tâm linh mõi cánh thì đậu lại trong hồn và chết nơi ấy sửng sờ. Chết nơi ấy nghĩa là đứt liên lạc, nghĩa là mùa thu bay miết cùng thời gian của thiên cổ về cõi vô định nào không biết, còn cánh chim hay nói đúng ra là chính nhà thơ, bay ngược thời gian về hiện tại.
Thật ra cánh chim và hồn cúa nhà thơ là một. Tác giả nói cánh chim bay rồi đậu xuống hồn mình thì cũng giống như Hàn Mạc Tử Chơi Trăng vậy: Một Hàn thi sĩ thì đang chơi trăng ngây ngất và một Hàn bệnh nhân thì đang đau thương vì bệnh phung trong cùng thời gian ấy. Như thế có hai linh hồn Hàn Mạc Tử, một linh hồn đang thăng hoa và một linh hồn đang rên rỉ trong thơ. Ở đây cũng vậy, có hai linh hồn Lê Văn Trung, một linh hồn ngồi đó thương nhớ và một bay theo mùa thu. Rồi thì khi mõi mệt như cánh chim, thì linh hồn bay theo mùa thu hạ xuống và chết trong linh hồn thương nhớ đợi chờ.
Qua khổ thơ thứ ba, Lê Văn Trung có cái nhìn yếm thế, thấy vạn vật hình như còn non, cây cỏ chưa đủ hương hoa, nghĩa là thiên nhiên chưa hình thành tốt một sự dàn chào trọng thể nên mùa thu chưa chịu quay về:
Có lẽ hoa vàng chưa tỏa hương
Có lẽ đêm quỳnh chưa ngậm sương
Thu ơi thu vẫn chìm trong mộng
Thu ơi thu vẫn còn hoang đường
Có lẽ đêm quỳnh chưa ngậm sương
Thu ơi thu vẫn chìm trong mộng
Thu ơi thu vẫn còn hoang đường
Qua khổ thơ nầy mùa thu hiện rõ nét hơn rồi. Mùa thu bây giờ không còn là hoang đường nữa, nó có nhưng mà nó chưa đến, nó có nhưng mà nó còn chìm trong mộng, nó có nhưng mà nó vẫn còn trong hoang đường, nghĩa là một ngày nào đó sẽ thành trong hiện thực. Khổ thơ nầy như chiếc cầu nối để đưa ta đên một thổ lộ đột ngột của nhà thơ. “Mùa Thu Hoang Đường” không phải là mùa thu. Mùa thu hoang đường chỉ là hóa thân của em hay có thể nói, tên em là “Mùa Thu Hoang Đường”:
Có lẽ em là thu! Phải không?
Có lẽ em là hoa chưa vàng
Hình như hương nhụy chìm quên lãng
Tình chưa hàm tiếu mùa ái ân
Có lẽ em là hoa chưa vàng
Hình như hương nhụy chìm quên lãng
Tình chưa hàm tiếu mùa ái ân
Có lẽ tên em là thu! Phải không?”. Hỏi ở đây là trả lời. Hỏi ở đây là khẳng định. Với một người dùng chiếc cà-lê để mở thơ thì đây là một khổ thơ có nhiều nghịch lý. Em đang là mùa thu cao rộng đấy, lại tức khắc trở thành một đóa hoa còn đang hàm tiếu. Thế nhưng nếu đọc thơ bằng tâm cảm thì ta biết đây là một mùa thu hoang đường, một mùa thu “chìm khuất như cơn mơ” nên nó có quyền biến hóa không ngừng.
Trong cơn mơ nhà thơ đã mở cả linh hồn mình để ôm gọn mùa thu, vì chỉ có tất cả mùa thu mới thể hiện hết em của người thi sĩ. Thế rồi với lòng khao khát nhìn thấy tận tâm hồn em, nhà thơ đã biến em trong mộng, thành một nụ hoa xinh. Vẽ đẹp của bao la được hàm chứa trong vẽ đẹp cô đọng và vẽ đẹp cô đọng thì bung ra trùm lên không gian và kéo dài theo thời gian để diễn đạt hết sự vọng tưởng của người thơ.
Ở vế thơ cuối lê Văn Trung lại nhấn mạnh một lần nữa em là thu, em ở trên con tàu vô định không có sân ga và em đang gọi anh từ nơi đó, tức là từ miền thiên cổ xa xưa, qua tiếng hú của con tàu:
Cứ ngỡ rằng thu, thu đã về
Đâu ngờ rằng em, xa quá xa
Mà sao tiếng hú từ thiên cổ
Con tàu vô định một sân ga
Đâu ngờ rằng em, xa quá xa
Mà sao tiếng hú từ thiên cổ
Con tàu vô định một sân ga
Đọc toàn bộ bài thơ ta biết đây là sự mặc khải của tình trong tâm hồn tác giả. Nhà thơ dầu đã gặp em từ thiên cổ nhưng qua bao kiếp luân hồi thì vẫn không còn nhớ gì. Nhà thơ dùng chữ “hoang tưởng” để diễn đạt một sự khải thị mà tác giả nhận biết trong tâm linh mình. Đối với tôn giáo, sự khải thị đó là của Đấng Tối cao nói vào lòng các bậc tiên tri để viết ra lời. Đối với tình yêu, sự khải thị đó là kỷ niệm ẩn sâu trong ký ức từ muôn ngàn kiếp trước mà sự vô minh đã làm lu mờ nó trong tâm tưởng. Khi nào gặp được em là khi đó ngộ ra tình, thành chánh quả, ngự vào thế giới yêu đương.
Nhà thơ Lang Trương có một bài thơ rất hay đại ý rằng, vì muốn nhớ em mãi mãi nên khi chết đi, lúc qua cầu Nại Hà, Lang Trương không chịu uống bát canh của Mạnh Bà trao tay, bát canh đó sẽ làm cho quên hết tất cả chuyện trần gian. Có lẽ nhà thơ Lê văn Trung cũng không chịu uống canh kia khi qua cầu biết bao lần, nhưng vì mỗi lần nếm thử một ít nên trí nhớ mờ đi qua thiên vạn kiếp. Bây giờ nhớ mùa thu xưa có em nhưng cứ nghĩ rằng mình đang hoang tưởng.
Vậy đó là thơ Lê Văn Trung. Với tôi thơ của anh kiến trúc bằng hoa và ước vọng. Dòng thơ của anh lãng đãng như một tờ giấy tinh tuyền bay trong bầu trời rất trong và mát dịu. Ẩn trong dòng thơ ấy, sự mơ mộng siêu việt bay bổng trong vùng lãng mạn bằng những từ ngữ cũng nhẹ như bông. Vần điệu của thơ Lê Văn Trung êm ái khiến tâm trí ta thăng hoa trong vùng tưởng tượng của nhà thơ.
Châu Thạch
No comments:
Post a Comment