Tuesday, December 24, 2019

Truyện ngắn: NHƯ CHIẾC THUYỀN TRÔI – Lê Văn Trung

NHƯ CHIẾC THUYỀN TRÔI – Lê Văn Trung



Tôi quyết định không về và cũng không ở lại Qui Nhơn làm gì.  Tôi sửa soạn ăn thêm một cái tết tha hương.  Thật là buồn, làm sao có thể biết rõ ràng quê hương tôi để bây giờ cứ nghĩ tôi là kẻ tha hương.  Tôi không có một nơi để nhớ về, không có một thời trẻ thơ để hồi tưởng. Cha tôi lênh đênh như một chiếc thuyền trên bờ vô vọng.  

Và tôi nằm trong chiếc thuyền đó. Ai cũng có quá khứ, ai cũng có một thời xanh nồng tuổi trẻ đã qua.  Tôi bỗng vụt lớn lên, rơi hẳn từ khoảng không mù mịt.  Tôi không có khoảng thời gian tuổi trẻ, tôi chỉ thấy tôi đang già nua.  Tôi đã nghe Nguyệt kể về tuổi thơ của nàng và tôi thèm.


Cái gì xuôi tôi buồn bã thế này và khiến tôi không về, dù nơi đó còn có ba và hai em tôi, dù nơi đó còn có những ngọn đồi thấp thoai thoải chập chùng mà đến mùa này bông mua nở tím cả khu mộ má tôi.  Cái gì xuôi tôi không ở lại đây dù thân tình vây bọc: chị tôi, mấy đứa cháu ngoan và hồn nhiên.  Nhưng tôi biết rằng dù tôi có về, ở lại hay đi thì nơi nào cũng chẳng là quê hương tôi.  Nhiều lúc tôi nghĩ phải tạo cho mình một khung trời nào đó có dĩ vãng êm đềm của tôi, như bao người khác; có mẹ tôi đốt đèn dạy tôi những mẫu tự đầu tiên, có những tối mẹ buông màn cho tôi ngủ và trong mơ tôi thấy mẹ biến thành bà tiên đã cho tôi chiếc đũa thần để tôi gõ vào nỗi ước mơ hiền lành của tôi.  Ôi, nhưng tôi không thể tưởng tượng để dối mình như vậy được, tôi sẽ rơi vào nỗi thất vọng cay chua.

Tôi sống và luôn luôn như chọn những quán trọ tạm thời, nên việc ở, về hay đi cũng chỉ là những dấu mốc cho một chặng đường.  Cũng như người ta đi tìm một thứ hạnh phúc.  Khi đuổi bắt đối tượng người ta loay hoay chạy từ chỗ này qua chỗ khác, và khi đối tượng đó nằm trong tay thì ôi thôi! Không phải là thứ hạnh phúc mà người ta muốn tìm.  Cũng như người con gái mười ba tuổi dễ yêu, dễ chán, dễ quên, dễ tạo cho mình những khung trời khác, những giấc mơ khác vì tuổi còn non và đời còn dài. Tôi cũng là người muốn đổi thay và tạo ảo tưởng cho mình. Nhưng tôi dễ chán và khó quên.  Thành phố này, con đường này, khu giải trí này đã trở nên quen thuộc đến nhàm chán và tôi muốn bỏ đi, có dịp bỏ đi để hứa hẹn ngày trở lại xem như một đổi thay dù nó chẳng đổi thay chút nào.


Và tôi đã đi.  Hồng đón tôi ở trạm xe ca.  Hai đứa bạn sau bốn năm trời gặp nhau mừng rở.  Hồng kêu một chiếc taxi.  Chúng tôi ngồi băng sau nhìn nhau cười.  Phố đã lên đèn, tôi đưa tay xem đồng hồ, gần tám giờ rồi.  Đêm nay tôi sẽ đón giao thừa ở thành phố xa lạ này.  Lòng tôi bỗng dưng nôn nao kỳ lạ.  Phải chăng chút đời thanh xuân còn sót lại, và chiều nay hé nở trong tôi.  Không.  Đó chỉ là trạng thái khấp khởi của một lần đổi thay.  Trạng thái của một người vừa nhận được những sinh hoạt mới, những hình ảnh lạ đã đập vào nhãn quan và chạy luồn trong cơ thể khiến mạch máu dồn dập và trái tim nhịp sai lạc, hết vẻ bình thường.  Gió hắt hơi mát của cơn mưa buổi chiều còn sót lại.  Tôi ngữa người thoải mái trong lòng xe mơ màng nghĩ về chiếc thuyền của cha tôi trên mặt nước mông mênh. Đời con rồi cũng thế. Phải không.  Một chiếc thuyền và một mặt nước vô bờ.

Nhà Hồng ở trong con hẽm của khu Lò gốm vùng Chợ Lớn.  Hồng đưa tôi lên gác.  Bây giờ tôi mới có dịp nhìn kỹ lại Hồng.  Cái vẻ mặt non và cái đầu tóc quăn ngày nào vẫn còn, nhưng hắn có vẻ ốm quá.  Tôi hỏi ra mới biết hắn nhịn ăn cho sụt cân và được hoãn thêm một thời gian vì lý do sức khỏe.  Ôi cái thời đại chúng ta.  Có những căn bịnh mà y dược văn-minh-đến-mặt-trăng rồi vẫn không sao trị được.  Mấy năm rồi tôi đóng cái vai hướng dẫn tinh thần với đám học trò ngỗ ngáo cũng chẳng qua là tránh “cầm súng làm người yêu nước”.  Đó cũng là cái bịnh.  Tôi mỉm cười và thầm cám ơn căn bịnh đã nuôi tôi còn sống đến hôm nay.  Hay ít ra cũng còn đủ tay chân mặt mày.  Mỗi người đều có một lý do để sống. Nếu có một đổi thay nào bên kia cõi chết thì tôi cũng tìm một cái chết êm ái cho tâm hồn mình.  Tôi không muốn mình đi về bên kia thế giới với thân thể tàn tật.  Tôi sẵn sàng chấp nhận cái chết nhưng là cái-chết-phải-có-của-đời-người.  Không sống được nữa thì chết.  Tôi không chấp nhận cái chết khi tôi còn đủ sức để sống.  Người ta thường ca ngợi “chết cho lý tưởng” thì tại sao không để tôi chết cho cái lý tưởng của tôi?  Tôi mỉm cười cho ý nghĩ của mình và đứng dậy kéo Hồng xuống phố.


Hồng lấy chiếc xe máy dầu và hai đứa đèo nhau đi.  Chúng tôi quyết định rong ngoài phố cho đến giờ giao thừa.  Phố có vẻ thưa người hơn buổi chiều tôi vừa đến.  Giờ này chắc ai cũng lo sửa soạn cúng ông bà và đón một năm mới hy vọng hơn năm qua.  Tôi không đoán hiểu hết được họ hy vọng gì, nhưng tôi biết rõ ràng trong lòng mọi người là hy vọng ăn cái tết thanh bình, không ước mơ xa hơn, sự hòa bình vĩnh viễn trên đất nước này.  Một vài chiếc taxi lướt qua, vài chiếc xích lô đạp vội vàng như muốn bắt kịp giây phút bình yên dễ tan dễ vỡ của đêm tạm ngừng tiếng súng: 24 giờ hưu chiến.  Cứ an lòng mà đi.  Tôi tự nhủ thầm.  Long rong cho hết phố phường.  Một đêm hòa bình của đất nước.  Bỏ đi uổng lắm.  Những dãy phố cao nghệu, đèn sáng rực muôn màu.  Những con đường rậm bóng cây.  Tự dưng tôi thấy những hàng thép gai quanh những cộng sự cũng có vẻ yên lành.  Đi cho hết mấy phố Saigon.  Biết đâu ngày mai không còn như thế nữa.  Bỗng từng tràng tiếng nổ vang lên.  Tôi đánh thót sau xe.  Hồng quay lại cười.

            - Pháo giao thừa đó.  Yên lòng đi.

Từng tràng pháo liên tiếp nỗ theo sáng lòe hai bên phố.  Xác pháo tung lên đỏ ối như những bông phượng cuối mùa rụng đầy sân trường.  Thì ra mọi người vẫn còn yên vui.  Sao tôi sớm bi quan thế!  Tôi bảo Hồng chạy chầm chậm.  Đêm còn dài mà.  Những tiếng cười chen với tiếng pháo vang vang trên một tầng lầu cao.  Pháo nỗ đầy khắp các ngã đường và ở đâu cũng có vẻ rộn ràng.  Thì ra chúng ta còn sống trong một phút thanh bình.

*
*   *

Hồng đẩy xe vào nhà.  Chúng tôi ngồi trên mấy cái ghế kê gần bên thang gác.  Hồng lấy chai rượu ngâm thuốc bắc rót ra hai cái ly nhỏ đặt trên cái thùng kê gần nơi đó dùng làm cái bàn.  Hắn nhìn tôi, cười:

            - Bây giờ mình say chớ.  Rượu hão hạng đó.  Để tao đi lấy dưa chua.   

Hồng vừa nói vừa đi ra phía sau đem ra một bình đựng củ hành củ cải.  Tôi với tay bốc một củ hành nhai nhai và ngụm một ngụm rượu.

           - Rượu ngon à.  Khá lắm.

Hai đứa tôi chén tạc chén thù gần nửa chai rượu.  Giọng Hồng có vẻ khề khà:

            - Mày không lấy vợ cho rồi mày.  Có nghề có nghiệp lo vợ con đi là vừa.  Tụi tao …

            - Tụi mày làm sao?  Vợ con cái con khỉ.  Tao lo cái thân tao còn chưa kham. 

Hồng ngồi ngay dậy.

            - Chả lẽ tụi mình ở giá suốt đời hả mày?

            - Không cả đời cũng vài chục năm nữa.

Hồng cười nhỏ trong miệng.

           -  Mấy năm rồi mày có về ngoài đó không?

Tôi không trả lời Hồng mà nhìn lên tấm ảnh được lồng khung kỹ lưỡng treo trên vách:

            - Mày còn yêu Mai dữ thế à?

Hồng chồm dậy:

            - Ai nói với mày đó?

Tôi chỉ tấm hình, Hồng nhìn theo, thở dài:

           - Tao tưởng quên được.  Nhưng không mày à.  Có một điều là tao không về ngoài đó nữa.

Tôi uống thêm một tí rượu:

           - Mày về cũng thừa rồi.  Mai đã có con.

Hồng bưng ly rượu nốc cạn và rót thêm.  Tôi đã thấy choáng váng và không uống nữa.
Hồng hỏi tôi:

             - Mày có định đi Cần Thơ không?

 Thăm Nguyệt?  Tôi chưa hề nghĩ từ khi còn ở Qui Nhơn sẽ vào đây đi Cần Thơ thăm Nguyệt.  Còn gì nữa mà tìm kiếm nhau.  Sáu bảy năm trời rồi.  Tôi tưởng tình yêu đã chết hay cố giết chết đi, ít ra nơi Nguyệt, Nàng hẳn đã quên tôi và đang sống bình yên, có thể bên người chồng có chút ít địa vị, danh giá hơn tôi.  Tôi còn tìm kiếm làm gì chỉ phá vỡ hạnh phúc của nàng – nếu thực ở đời có một thứ gọi là hạnh phúc – Tôi đã vô tình gây ra đổ vỡ bây giờ tôi phải gánh chịu.  Không thể chia xẻ nỗi khổ của mình cho một người mình yêu. Tôi đã vì chút lòng tự ái: một người nghèo, vô nghề nghiệp, không tương lai.  Bác nàng đã nói với nàng về tôi như thế.  Nàng thì nói mãi về một quá khứ vàng son.  Tôi làm gì có được một dĩ vãng êm đềm đó.  Tôi đã tự ý lách mình vào lớp vỏ khô cứng sần sùi nghèo nàn của mình.  Và nàng đã hận thù tôi phản bội.  “Phải thế không?  Nguyệt?”   Tôi thầm gọi trong trí và bảo Hồng:

                - Không, tao vào đây chơi với mày rồi phải lo về dạy chứ.  Vả lại ...
   
             - Sao?
           - Thì mày đủ can đảm về đó không?
           - Tao khác.

           - Ừ thì mày khác nhưng tao cũng có lý do của tao chứ.  Mày bắt tao đi sao được.                

Hồng cười méo xệt:

          - Thì ai bắt mày.  Cái thằng.  Thôi uống đi, uống nữa đi, uống cho say.                

Hồng rót và tôi nốc cạn liên tiếp mấy ly.  Hồng vỗ vai tôi cười khà khà:

          - Khá, khá lắm, ha ha!  Tửu lượng cao đấy.

Tôi phải uống cho say để ngủ đêm này, để khỏi phải suy nghĩ gì hết.  Tôi cầm phần rượu còn lại trong chai uống cạn và ngữa người ra ghế mệt nhoài.

          - Uống nữa nhé, để tao lấy chai khác.

Nhưng chai rượu lấy ra để nguyên trên bàn, không đứa nào uống được nữa.  Hồng ngữa cổ ra sau ghế lim dim một lát đã nghe tiếng gáy khò khè.  Tôi bò lên gác gieo mình xuống chiếc giường bố, rã rời.

Tôi mở mắt tỉnh dậy tưởng trời sáng.  Bên dưới ngọn đèn vẫn sáng trưng và Hồng gục đầu ngủ trên thùng gỗ.  Tôi đưa tay xem đồng hồ.  Mới 5 giờ.  Giờ thứ năm của một năm mới bắt đầu.  Tôi lại già thêm 5 tiếng đồng hồ nữa và gần thêm cõi chết một đoạn đường.  Tôi không biết tôi mong ước gì, dự tính gì.  Tiếng pháo vẫn còn đì đẹt nhặt thưa xa xa.  Tôi trở dậy xuống ngồi trên chiếc ghế cũ.  Bình dưa chua vẫn còn mở nắp và một ly rượu uống dở.  Tôi mở nút chai rót thêm đầy ly.  Chất rượu làm mát cổ họng đang khô và lòng tôi tỉnh lại.  Đời con rồi cũng thế.  Phải không.  Một chiếc thuyền trên mặt nước vô vọng.  Tôi lục lọi trong ký ức còn tiềm tàng chăng những hình ảnh tôi đã quên vùi.  Một vòm trời xanh.  Một phiến mây hồng.  Một chiều trên đồng cỏ.  Một tối trong gian phòng ấm cúng.  Một khuôn mặt dịu hiền cúi xuống.  Không.  Tuyệt nhiên không có gì cả.  Tôi chỉ thấy mơ hồ một khoảng mờ mịt.  Tôi đã bị cắt đứt mất dĩ vãng.  Tôi bị xô bổ vào hiện tại và phải đối kháng với từng nỗi không may.  “Rồi con cũng chỉ là chiếc thuyền lênh đênh trên những bến bờ vô vọng.  Hiện tại cũng chỉ là cái bến trong muôn ngàn cái bến của một trường giang bất tận”.  Tình yêu có níu giữ chúng ta được không? Hỡi Nguyệt.  Sáu bảy năm rồi nó vẫn không chết dù tôi cố giết.  Tôi đào huyệt chôn lấp, nó vẫn bùng dậy.  Nhưng sao nó đày đọa thế này?  Hay tình yêu cũng chỉ là cái bến ảo tưởng ta ghé đến trong ngàn nỗi đắng cay.

Tôi bỗng nghĩ sáng mai tôi phải xuống Cần Thơ.  Anh phải tìm gặp em, Nguyệt ạ.  Bảy tám năm trời rồi, không thể kéo dài thêm được nữa.  Những giọt nước cuối cùng trên phi trường Đà Nẵng của Nguyệt năm nào bây giờ lại nhỏ vào tôi niềm xao xuyến khôn cùng, nhỏ vào tôi từng giọt đắng cay mà giờ đây tôi thấy quí giá, trong và đẹp.  Như những giọt sương.  Tôi phải gặp em, ít ra cũng cho em hiểu rằng buổi chiều trên phi trường năm xưa là giờ sinh nhật tình yêu vĩnh cửu của chúng ta.  Em đâu nhìn thấy được buổi chiều đó, phải không?  Em đã ra đi với chút ít giận hờn dù lòng thắt lại.  Em đã ngộ nhận.  Anh đã im lặng.  Và như thế kéo dài mãi cho đến ngày nay.  Tôi hận tôi sao không nén một chút tự ái, gạt một chút ương ngạnh, ngày nào.

*
*  *

Tôi quyết định ngày mùng ba đi Cần Thơ và không cho Hồng hay biết.  Sáng sớm hôm đó tôi đi và để lại cho Hồng mấy chữ.  Tôi định tìm cho Nguyệt một món quà nhưng không biết mua thứ gì.  Cuối cùng tôi nghĩ đến cái vòng cẩm thạch đã cẩn thận mang theo từ khi còn ở Đà Nẵng.  Thứ vòng bằng đá vẫn được làm ở Non Nước.  Tôi đã giữ nó như một kỷ vật.  Tôi đã mua từ lâu, hồi còn học nhất cấp trong một chuyến đi chơi với bạn bè, tôi định gởi tặng Nguyệt nhưng không biết vì sao tôi còn giữ đến bây giờ.

*
*  *

Tôi ra khỏi quán, tìm một chiếc xích lô, nhưng không có, chỉ toàn loại xe lôi giống như loại xe chạy ở Bồng Sơn.  Tôi ngồi trên xe và về ngã nhà Nguyệt.  Tôi dừng trước căn nhà xa lạ và bỗng dưng tôi muốn bỏ quay đi.  Nhưng một người con gái đã tiến ra tận cửa nhìn tôi tò mò:
         - Xin lỗi ông hỏi ai?

Tôi hỏi Nguyệt và cô gái trả lời tôi biết là Nhụy, em Nguyệt.

        - Chị Nguyệt không còn ở đây, mời ông vào nhà.

Tôi định cám ơn quay đi, nhưng Nhụy đã quay vào trong.

        - Má, ông này hỏi thăm chị Nguyệt.

Tôi tần ngần bước vào nhà cúi chào người đàn bà, bà mời tôi ngồi ghế và bảo Nhụy:

          - Pha trà uống con.

Trong lúc Nhụy đi pha trà, tôi giới thiệu tôi là bạn Nguyệt ở Saigon xuống nhân tiện ghé thăm.  Bà hỏi tôi phải người Trung không, làm tôi giật mình.  Có lẽ nào bà lại biết tôi.  Bà tiếp:

           - Nguyệt đã ở riêng rồi.  Nó mới dẫn con nó coi hát bóng về có ghé đây.  Mẹ con nó vừa ra khỏi đó.

Nguyệt đã có chồng.  Thế là hết.  Tôi thấy chẳng buồn chẳng vui.  Cuộc đời rồi mỗi người có một cảnh, phân định từ hồi nào, bởi một bàn tay vô hình nào.  Chúng ta chỉ chấp nhận dù trong ngàn nỗi xót xa.  Nguyệt đã yên vui.  Tôi chẳng còn lý do gì để tìm kiếm nữa.

Khi Nhụy bưng nước lên tôi đứng dậy xin phép cáo từ và xin địa chỉ của Nguyệt, nhưng chắc là tôi không đủ can đảm đến thăm Nguyệt nữa, dù đến thăm như một người bạn thăm một người bạn.

Cầm cái địa chỉ Nguyệt trên tay tôi đi thẳng về khách sạn trong lòng thầm nhủ sáng mai phải về sớm.  Giờ phút này tôi mới thấy tìm đến Nguyệt là vô lý.  Thế là hết.  Vĩnh viễn không bao giờ tôi tìm gặp nàng nữa.

*
*  *

Khi mở cửa phòng tôi kề tai người bồi phòng nói nhỏ.  Hắn gật gật đầu và tôi dúi vào tay hắn tờ giấy năm chục.  Tôi khép hờ cửa nằm chờ.  Người con gái hiện ra ở khung cửa, tôi ra dấu nàng lách vào không quên khóa cửa lại.  Tôi lấy diêm bật lửa đốt điếu thuốc nằm nhả khói lên trần nhà, lòng trống rỗng.  Người con gái đã nằm gọn trên giường và mỉm cười với tôi.  Tôi quay sang:

           - Em tên gì?
          - Nguyệt.

Tôi như hốt hoảng và hỏi lại:

          - Tên gì?
          - Nguyệt.  Gì mà hết hồn vậy?

Nguyệt.  Tôi thầm gọi trong miệng và Nguyệt quàng tay qua vai tôi.

           - Tại sao em tên Nguyệt?

Thiếu nữ trố mắt nhìn tôi:

          - Ơ hay.

Tôi bỉu môi:

          - Mấy cô thì có hàng vạn tên, nhưng tại sao với tôi cô bảo là Nguyệt.           

        - Ờ thì em nhớ tên nào nói đại tên đó.

Tôi thấy nàng tội nghiệp:

             - Anh yêu em, Nguyệt à.

Nguyệt đẩy tôi ra:
            - Lãng xẹt.

Tôi lầm bầm:

            - Ừ lãng xẹt nhỉ.

Nguyệt trườn lên nhìn vào mắt tôi

             - Anh chàng này thất tình hả.
             - Ừ, thất tình em đó, Nguyệt.

Nguyệt choàng ngồi dậy:

            - Cái gì đây anh.

Nguyệt mở cái hộp đựng chiếc vòng cẩm thạch của tôi ra.

            - Chèn ơi, anh mua cho ai đây hả?

Tôi nhìn Nguyệt:

            - Cho em đấy.  Nguyệt à.

Nguyệt nheo mắt:

           - Thôi đi cha.

Tôi cầm chiếc vòng đeo vào tay Nguyệt.

         - Cho em thật mà.

Rồi kéo nàng nằm xuống.
Tiếng động dưới phố đã im.  Có lẽ trời đang mưa nhẹ.  Tôi vói tay tắt đèn và Nguyệt trườn lên ôm quấn lấy tôi như một con mèo.  Tôi trôi trên vùng lặng câm.  Đời con ngàn đời vẫn thế.  Như chiếc thuyền trôi.  Như chiếc thuyền trôi…

                                           Lê Văn Trung

No comments:

Post a Comment