Tuesday, December 24, 2019

Bình thơ: Phục Sinh Thơ: Lời Thánh ca Tình của Lê Văn Trung - Châu Thạch

“PHỤC SINH THƠ”: LỜI THÁNH CA TÌNH CỦA LÊ VĂN TRUNG
                              
- Châu Thạch -                                      
                                 

Lê Văn Trung


Không biết từ lúc nào tôi có một bạn facebook tên là Trung Le. Rồi thì một hôm tôi tình cờ đọc được bài thơ đăng trên dòng thời gian của Trung Le.  Bài thơ có nhan đề “Phục Sinh Thơ” với những câu thơ mà khi đọc xong tôi đã viết vào phần bình luận ở dưới là “thích phát điên”. Bài thơ như sau:

Châu Thạch

PHỤC SINH THƠ

Em về chiều sương hay đêm mưa
Về trong chiêm bao trong cơn mơ
Sài Gòn tháng sáu trời hanh gió
Nhớ em giọt nắng vàng câu thơ

Hình như chuông ngân hồi kinh chiều
Hình như chuông rung lời thương yêu
Thiết tha như thể bài kinh nguyện
Như lời tình tự của trăng sao

Áo ai vàng phơi trong thơ tôi
Ôi môi trầm hương mắt lệ ngời
Tôi về trải hết lòng nhung lụa
Rượu nồng xin cạn cuộc tình vui


Sài Gòn tháng sáu trời hanh gió
Ôi chiều hồng ươm chiều chưa mưa
Em về, thơm đóa tình xanh cũ
Nhớ em giọt nắng vàng câu thơ.
                    SG, 16 giờ 13.6.17


VÔ THƯỜNG

Cuộc sống vẫn xoay vòng như nhật nguyệt
Ngày và đêm tiếp tiếp nối nhau đi
Mưa và nắng vẫn trùng trùng vô tận
Những tàn phai réo gọi mãi xuân thì

Tôi qua đời em trăm ghềnh trăm thác
Em qua đời tôi vạn suối nghìn sông
Khi rót cạn chén rượu đời oan nghiệt
Kể chuyện đời nhau chuyện gió bụi cát lầm

Em từ buổi trăng tàn đêm thiếu phụ
Tôi từ khi mòn vẹt gót giang hồ
Đời vẫn thế, vẫn vô tình trôi biệt
Có một người đứng gọi giữa hư vô

Em từ buổi bên kia bờ sông lạ
Tôi từ khi vạn nẻo áo phong trần
Đời vẫn thế, vẫn trăm vòng luân chuyển
Có một người bia mộ đã rêu phong

Hạnh phúc, khổ đau, tương phùng, chia biệt
Một ngàn năm trời đất có phụ nhau!
Một ngàn năm tôi đi hoài không hết
Con đường tình vàng úa lá thương đau.

XIN TÌNH LÀ QUÁN TRỌ CỦA TRĂM NĂM
Ta ghé vào xin cạn chén cùng ai
Em, chủ quán, có chờ mong mòn mỏi
Ngồi cùng ta, em nhé, một đêm dài

Em là quán? Hay lòng em là quán
Ta giang hồ, khách lạ, bốn phương xa
Thôi hãy uống sá gì quen với lạ
Hãy quên ta, một viễn khách không nhà

Ta trăm năm hoài phí một đời thơ
Câu ái, câu ân, nghe buồn đứt ruột
Câu duyên nợ đã đành cam vụt mất
Ta giang hồ tay trắng cả tình xưa

Em là quán? Xin tình em là quán
Cho ta ngồi tạm lại một đêm vui
Cho ta thắp lòng nhau trăm ngọn nến
Sáng lung linh cho ấm cuộc tình người

Em là quán? Xin hồn em là quán
Cho ta tìm trong ký ức mù sương
Của đôi mắt thuở vàng thu đăm đắm
Thuở tình xưa vời vợi mộng hoang đường

Em là quán? Xin đời em là quán
Rót giùm ta ly rượu chảy trăm năm
Ta bỏ lại bên kia bờ quên lãng
Xin tình xưa còn mãi mộng nguyên rằm.

Bài 1 (không còn tựa đề) còn một khổ:
Đời buồn quá thôi bỏ về em ạ
Hẹn hò chi dăm buổi chợ đìu hiu
Đôi quang gánh trên vai tình mỏi lã
Sắc hương xưa mờ nhạt khói sương chiều.

Bài 2 (cũng không còn tựa đề)
Còn mấy câu :
Bay trong ảo ảnh cuộc đời
Tôi phù du giữa cõi người phù vân
Trăng em tròn khuyết bao lần
Mây tôi thiên cổ hợp tan cuối trời
Chút tình trong cuộc rong chơi
Có còn chăng?
Nỗi ngậm ngùi
Tàn phai.
(trích thơ của Ngói)

Có lời bình luận của một bạn face cho bài thơ trên như sau: “bài thơ như lời thánh ca”. Bình luận nầy được nhà thơ lớn Lê Mai Lĩnh nhắc lại: “Như lời thánh ca”. Với tôi, tôi cũng đồng ý như thế nhưng tôi xin thêm: “Lời Thánh ca tình”. 

Bài thơ ghi bút danh ở dưới là LVT và tôi tò mò đi tìm cái bút danh nầy suốt đêm mới khám phá ra LVT tức là nhà thơ Lê Văn Trung, tức là bạn face Le Trung của tôi hiện nay, tức là một nhà thơ đã có có vai vế trên văn đàn trước năm 1975 ở miền Nam Việt Nam. Sở dĩ  tôi không biết nhà thơ nầy chỉ vì hồi ấy tôi là con dế còn nằm yên dưới cỏ chưa hề tập gáy.

Thật tình tôi là cây bút ông lão tuổi đời, con nít tuổi viết nên thường hay tránh rờ chân thơ văn của các bậc trưởng thượng trên văn đàn. Thế nhưng bài thơ nầy nó giống như con cáo thành tinh trong Liêu Trai chí dị, hằng đêm cứ len vào tâm trí tôi, làm cho giấc ngủ của tôi cứ lơ mơ nửa tỉnh nứa mê với nó. Vậy nên, thôi tôi cứ liều chăn gối với nó một lần chắc chẳng chết đâu. Mà dẫu có chết thì cũng chỉ là con dế già chết, lo gì.

Bây giờ hãy đi vào thơ.


“Em về chiều sương hay đêm mưa
Về trong chiêm bao trong cơn mơ”

có nghĩa là chẳng biết em về lúc nào hay đúng ra em chẳng về chi cả. Sự về của em chỉ là sự nhớ trong tâm trí của anh thôi. Hai câu thơ mở đầu đã đưa ta vào ngay một không gian ảo vọng trong một thời gian ảo vọng. Ta thấy em của nhà thơ mơ hồ hiển hiện bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào. Tự nhiên cái nỗi nhớ dài lâu và mênh mông đó cũng theo hơi thơ xâm nhập vào lòng ta để ta cũng cảm thấy một niềm nhớ nhung xa vắng.

Rồi thì “Sài Gòn tháng sáu trời hanh gió” làm ta bỗng nhiên nhớ lại những câu thơ Nguyên Sa 
“Tháng sáu trời mưa, trời mưa không ngớt
Trời không mưa anh cũng lạy trời mưa
Anh lạy trời mưa phong toả đường về
và đêm ơi xin cứ dài vô tận” 


làm ta tưởng tượng cái ấm áp của sự yêu nhau trong tháng sáu nó thi vị nhường bao mà nay không có nữa. Câu thơ không nhắc đến thơ Nguyên Sa mà thơ Nguyên Sa tự nhiên dậy trong lòng người đọc. Còn nếu ai không nhớ đến thơ Nguyên Sa thì câu thơ cũng cho ta một trời Sài Gòn gió nhẹ làm rượi mát tâm hồn để dễ cho ai đó có một khúc mộng du quay về dĩ vãng.

 Để kết luận khổ thơ đầu tác giả viết: “Nhớ em giọt nắng vàng câu thơ”. Tác giả không nói “chiều nắng” hay “ánh nắng” mà nói “giọt nắng” chứng tỏ khi tác giả nhớ em thì trời đất biến đi, cả linh hồn anh đăm chiêu nên chỉ nhìn thấy từng giọt nắng lung linh trước mắt mình thôi. Nghĩ xa một chút nữa thì “Nhớ em giọt nắng vàng câu thơ” có thể không phải là giọt nắng ngoài trời mà đây là giọt nắng trong thơ. Giọt nắng ấy chính là hồi ức những kỷ niệm trong quá khứ đã làm câu thơ tác giả hóa ra sầu.

Vế thứ hai của bài thơ tác giả để cho tiếng chuông ngân vọng khắp cả không gian và thời gian về chiều, như tiếng lòng của anh trùm khắp vạn vật:

Hình như chuông ngân hồi kinh chiều
Hình như chuông rung lời thương yêu
Thiết tha như thể bài kinh nguyện
Như lời tình tự của trăng sao


Tác giả lặp lại hai lần chữ “Hình như” tức là không có tiếng chuông nào cả, hoặc là có thì nó cũng ở đâu xa văng vẳng vọng tới  mà thôi.

Vậy thì đúng ra tiếng chuông nầy đã dậy lên ở chính trong lòng tác giả. Tâm hồn nhà thơ chính là đền thờ lớn đã liên tục đồng vọng tiếng lòng mình mà nhà thơ tưởng nó “hình như” trong không gian. Lời kinh thì chỉ để tôn vinh Thiên Chúa, lời kinh không thể là “tình tự của trăng sao” cho nên nói một cách chính xác thì “Hồi kinh chiều”, “lời thương yêu”, “bài kinh nguyện”, tất cả phát xuất từ rung động của tình yêu trong tâm hồn tác giả. Rung động đó tác giả đã huyền nhiệm nó, làm thiêng liêng nó, hòa nhập nó trong tiếng chuông đền thờ, làm cho chỉ một khổ thơ nầy mà bài thơ như một thánh ca, với tôi không phải thánh ca thờ Thiên Chúa mà thánh ca thờ tình, thứ tình vượt lên, thành ra chúa của tình.

 Đọc vế thơ nầy người ta nghe được tiếng đồng vọng của hằng hà sa số chuông vọng xa xa mà cũng đồng thời nghe được tiếng tơ lòng tác giả rung động rất gần như tiếng chuông vọng ở bên tai mình vậy. Bởi thế nhiều người nhận xét cho bài thơ là “Thánh ca, thánh ca, Thánh ca” là vậy!!!.

Qua khổ thứ ba của bài thơ, tác giả nhớ lại một thời trãi nhung lụa trong hồn để yêu, uống rượu để làm nồng say một cuộc tình:


Áo ai vàng phơi trong thơ tôi
Ôi môi trầm hương mắt lệ ngời
Tôi về trải hết lòng nhung lụa
Rượu nồng xin cạn cuộc tình vui


Không hiểu vì sao đọc thơ Lê Văn Trung tôi lại cứ nhớ đến thơ Nguyên Sa.
“Áo nàng vàng tôi về yêu hoa cúc
Áo nàng xanh tôi mến lá sân trường
Sợ thư tình không đủ nghĩa yêu đương
tôi thay mực cho vừa màu áo tím”

có nghĩa là nhà thơ Nguyên Sa đã chọn chiếc áo vàng là chiếc áo đẹp nhất của nàng nên đã nêu màu đầu tiên trong ba màu áo mà nàng đã mặc.

 Ở đây nhà thơ Lê Văn Trung cũng thế: “Áo ai vàng phơi trong thơ tôi” có nghĩa là màu vàng của chiếc áo đã nhuộm cả hồn thơ, đã phất phới trong thơ, đã khiến nhà thơ “trãi hồn nhung lụa” để “cạn cuộc tình vui” và để sau nầy câu thơ cũng vàng vì những giọt tương tư. Cả một khổ thơ không có gì đặc biệt, nó chỉ biến thành hay nhờ chiếc áo vàng đã phơi trong thơ.

Khổ chót bài thơ là một bức tranh màu tươi thắm. Tác giả dùng màu hồng, màu xanh, màu vàng có thể nói là rực rỡ để vẽ một bức tranh buồn, bức tranh nhung nhớ:

Sài Gòn tháng sáu trời hanh gió
Ôi chiều hồng ươm chiều chưa mưa
Em về, thơm đóa tình xanh cũ
Nhớ em giọt nắng vàng câu thơ.


Đây là một cách chơi màu phù phép mà những tay bình thơ gà mờ như tôi không giải nổi. Nhưng tôi thấy thiích thú vì nỗi nhớ sao mà đẹp quá, thi vị quá, không da diết, không não nuột mà lãng mạn tràn đầy. Cái chiều hồng trời không mưa ở Sài Gòn nhắc cho tôi những buổi chiều nằm gác trọ, những buổi chiều rong chơi và những buổi chiều vàng son thời trai trẻ đẹp làm sao tại Sài Gòn. Chữ “chiều ươm hồng” nhắc tôi liên nghĩ đến hình ảnh những trái cây mọng nước ở chợ Bến Thành.  Câu thơ “thơm đóa tình xanh cũ” lại làm tôi liên nghĩ đến những trái ổi xanh um giòn rụm mà tôi cùng em đã mua ăn tại đây trong khi chờ xe Bus.

Tôi không hiểu cái tựa đề “Phục Sinh Thơ” có ý nghĩa gì nhưng tôi đoán có lẽ tác giả muốn nói em là thơ, em về là thơ được phục sinh.

Đọc bài thơ chắc không ai thấy buồn nhưng thấy tình yêu bỗng tràn trong từng thớ thịt. Ý thơ, tứ thơ không xa lạ gì nhưng tiếng thơ vỗ về tâm tư, làm cho tự nhiên tâm hồn ta thêm trân trọng cuộc tình đã mất, cất cánh linh hồn ta bay trong vô biên của tiếng kinh vọng chiều buồn mà êm ái.

         Châu Thạch

No comments:

Post a Comment