Tuesday, December 24, 2019

Bình thơ: Mênh Mông Một Cõi Đi Về -Mang Viên Long

Mênh Mông Một Cõi Đi Về
-Mang Viên Long-


Đọc tập thơ “Cát Bụi Phận Người” của Lê Văn Trung NXB Văn Nghệ - 2006
                               

Trong cuộc đời của tác giả hay trong “Cát Bụi Phận Người”, tình yêu, tình bạn, tình mẹ, tình quê…luôn hòa quyện, gắn bó vào nhau để hun đúc nên một mối thương cảm hiu hắt phận người giữa đất trời mênh mông mà cô đơn, lạnh lẽo!  Đây không phải là cảnh “thương mây khóc gió” bâng quơ, mà là tiếng kêu vọng về cõi sâu khuất của đời sống đang từng ngày cảm nhận, từng tháng năm lang bạt gồng mình để kiếm tìm niềm an lạc cho mình, cho người …


Một “chiều Blao” ghé thăm bạn thơ (anh Nguyễn Đức Sơn và Hoàng Ngọc Châu) vào cuối thu 1976 (trang 49):
“Đìu hiu chiều lạnh sương mù
Vắng hoe phố chợ âm u bóng rừng
Tiếng người về muộn qua mương
Bờ lao nhòe nhoẹt con đường loanh quanh
Nhà ai vàng vọt ánh đèn
Có soi ấm được chút tình xa xôi?”


Thơ tình Lê Văn Trung là một sự chuyển hóa của mối tình đã được ấp ủ, đã được giấu kín tận đáy lòng, đã được “gặm nhấm” nhẫn nha trong cuộc đời đầy hệ lụy; nên hơi thơ thâm trầm, dìu dặt mà sâu lắng:
“Thơ như chén rượu đời cay nghiệt
Uống mãi mà không cạn nỗi sầu
Ta đi trăm nẽo đường xuôi ngược
Trời đất chưa tàn cuộc bể dâu

Trở lại vườn xưa tìm lối cũ
Thềm rêu mờ nhạt dấu chân người
Sau hè cây khế hoa tàn rũ
Rụng tím như còn thương nhớ ai?
Em đã vì ta mà lận đận
Thân cò lặn lội mấy mươi năm
Ta như tên lính già thua trận
Đành nợ em rồi một tuổi xuân!”
                 (Tứ Tuyệt – tr. 48)


Có tình yêu là có khổ đau.  Nhưng với nhà thơ – trong mối hệ lụy đau khổ ấy, luôn ánh lên một tia lửa ấm một nguồn an ủi vỗ về tuy cũng rất mong manh sương khói như cuộc đời:
“Khi buồn quá ngâm dăm câu thơ cổ
Đi lêu bêu khắp phố xá Saigon
Ta chợt nhớ thời em còn nhỏ xíu
Mà làm ta say khước nụ tầm xuân”
           (Rượu Tầm Xuân, tr.110)


Và qua mỗi bước thăng trầm, mỗi tháng năm lưu lạc – nhà thơ đã luôn sống cho niềm hoài cảm, cho sự nhớ tưởng xa xưa; mà nay chỉ còn là giấc mộng:
“Con chim cu gáy bên hè
Ta nghe như tiếng gọi bè bạn xưa
Nhớ em tóc ướt chiều mưa
Con đường đi học anh vừa mười lăm
Nhớ hoa cau nở trăng rằm
Nhớ mâm cơm mẹ ngoài sân gió nồm
Nhớ mùi bồ kết nồng thơm
Cứ thoang thoảng mãi trong hồn cỏ cây (…)”
(Nghe Tiếng Chim Cu Gáy, Nhớ Những Ngày đã Qua, tr.74)


Có thể nói dòng thơ Lê Văn Trung đều bắt nguồn từ sự hoài niệm, từ ngóc ngách sâu khuất của kỷ niệm, của cuộc đời tuổi trẻ phơi phới đã qua, chảy tràn miên man về hiện tại, về miền đất cằn khô của tuổi đời, của phận người qua bao bão giông khắc nghiệt.  Vì vậy thơ của Lê Văn Trung là lời thì thầm tâm sự, lời bi tráng thống thiết tưởng như sự nhắn gửi sau cùng:
“Ba trăm năm nữa quay về
Cố hương lân lý bạn bè còn ai
Ba trăm năm sẽ đầu thai
Suối xưa rừng cũ sương mai gió chiều.
Làm con chim đứng quạnh hiu
Bên mồ thiên cổ tiếng kêu đoạn trường (…)”
                (Ba Trăm Năm Nữa, tr.108)


Hay là:
“(…) Ôi trọn kiếp cứ mơ hồ ảo tưởng
Cuộc trần gian phù phiếm có ra gì
Khi ôm mãi biết bao là ước vọng
Bỗng một chiều khói cuộn gió sương đi (…)”
(Sẽ Có Lúc – tr.109)


Ở vào tuổi trên 60 – nhà thơ đã trả qua bao thăng trầm, cái “thấy biết” của Lê Văn Trung giải bày ghi lại chính là lẽ thật (là chánh tư duy, chánh kiến) không phải là cái bi quan hời hợt xưa nay – nên thơ anh thấm đượm đạo vị, ngan ngát hương đời; luôn ẩn hiện niềm an lạc thầm kín của sự hy vọng, của ước mơ, cho kiếp này hay kiếp khác:
“Sáu mươi năm giữa bọt bèo vô nghĩa
Câu thơ nào em viết xuống đời anh
Xin đủ ấm một góc chiều mộ địa
Anh nằm nghe lá úa rụng bên mình

Sáu mươi năm anh kiếm tìm kiệt sức
Vòng tay em nương bóng ngủ bên thềm
Xin ngủ với giấc mơ buồn sương đục
Màu thiên thu trắng lạnh có vô biên (…)”
 (Thời Gian Nhìn Lại, tr.59)


Ý tưởng này được tác giả thổ lộ mạnh mẽ qua bài “Trọn đời chưa viết nổi một câu thơ” (tr.68)
“Đừng gọi nhầm ta là thi sĩ
Trọn đời chưa viết nổi một câu thơ
Cũng đừng bảo là cái thằng thất chí
Sống ngu ngơ giữa xuôi ngược xô bồ
(…) Ta vẫn viết cõi nào ta sẽ đến
Dù đau lòng nói nhỏ với em thôi
Vì em hỡi ta vô cùng hổ thẹn
Sống trăm năm uổng phí một con người (…)”


Vì còn yêu quý cuộc đời nên còn làm thơ.  Còn cảm thấy có trách nhiệm với đời sống nên còn làm thơ, nhưng Lê Văn Trung đã “Trọn đời chưa viết nổi một câu thơ” – nghĩa là niềm hối tiếc (hay ăn năn) của một kẻ sĩ với thời cuộc, với nỗi bất lực không có lối thoát.  Điều này có thể giải thích tình quê trong thơ Lê Văn Trung chỉ là hình bóng thấp thoáng, không rõ nét, là bóng hình lãng đãng của sự nhớ tưởng – của kỷ niệm – nhưng tình cảm ấy thật da diết.
“Lần lữa mãi mà không về thăm được
Đã lâu rồi, lâu quá phải không em?
Bao khốn khó bao mảnh đời xuôi ngược
Cứ hẹn dần hẹn mãi cũng đành quên
(…) Lần lữa mãi thôi cùng đành lỗi hẹn
Ôi trăm năm nước cứ mãi xa nguồn
Đời như nhánh lục bình trôi ra biển
Giữa muôn trùng hun hút bóng quê hương”
(Nước Đã Xa Nguồn – tr.116)


Toàn tập “Cát Bụi Phận Người” – gồm 62 bài thơ – là một dòng chảy nhất quán của một nhân sinh quan đầy tính nhân bản, dù là trong nỗi khổ đau bi thiết, hay trong niềm vui hy vọng mong manh – Lê Văn Trung vẫn luôn yêu đời, tin người, để vươn đến một cõi miền an lạc, hạnh phúc vĩnh hằng” …
Ôi các em
Hãy đứng vòng quanh anh
Tung hoa lên trong giờ Thánh tẩy
Anh sẽ tặng các em những vòng kim cương
Làm bằng thơ tinh huyết (…)”
(Giờ Thánh Tẩy)


Với một ngôn từ giản dị mà chắc lọc; bóng bẩy mà không cầu kỳ - Lê Văn Trung ghi lại những xúc cảm trong đời bằng trái tim khối óc của kẻ sĩ sâu sắc về kiếp người, phận mình – đây là tiếng gọi nồng nàn bi thiết mà nhà thơ đã kinh qua gần suốt cuộc đời, để chia sẻ với tất cả chúng ta!


Quê nhà cuối tháng 12 / 2004.


Viên Linh


Thi phẩm của Lê văn Trung, ngay từ phần hình thức trang nhà đã gây sự chú ý của người đọc, tới nội dung thì ngay bài thứ nhất, một bài lục bát, đã cho thấy tác giả là người làm lục bát điêu luyện, và có nét riêng, không bị ngôn ngữ làm cho vướng bận:
Tôi tìm em đứt mòn hơi
Hai mươi năm dấu chân người mờ phai
Tìm em suốt cuộc tình dài
Đường vô tận - bến chờ - ngoài nẽo không

Còn gì sau cuộc phù vân
Lệ tình em ướt đẫm phần mộ tôi
(Phương Trời Hiu Quạnh. Tr.7)


Bài thơ được phá vỡ vần điệu bằng các chữ lẻ, trong khi lục bát là vần chẵn, và nếu không sành thì không làm được như Lê văn Trung.


Bài Ta Cho Nhau Cái sau Cùng có những câu lạ:
 
Cụ Nguyễn Du khóc đoạn trường
Ba trăm năm…ta khóc buồn ngàn năm.


Nhà thơ Lê Văn Trung đã đi xa so với những bài thơ thuở xưa trên Khởi Hành.



(Trích từ tạp chí Khởi Hành số 127 tháng 5 năm 2007, phần giới thiệu thi phẩm Cát Bụi Phận Người)

No comments:

Post a Comment