Tuesday, December 24, 2019

Truyện ngắn: NHỮNG XÁC CHẾT CỤT ĐẦU - Lê Nam Phương (Lê Văn Trung)

NHỮNG XÁC CHẾT CỤT ĐẦU

Lê Nam Phương (Lê Văn Trung)



Tôi vừa qua cầu thì chạm mặt nàng.
Nàng đứng đấy như một pho tượng.
Mắt hướng về phương Đông.
Và cũng như mọi lần,
Nàng trần truồng không một chiếc lá nho. 
Da thịt trắng như sữa
Và bầu vú căng đầy. 
Không bao giờ nàng nhìn tôi.
Không bao giờ nàng nhìn ai.
Nàng nhìn về phương Đông.
Nhưng nàng biết tôi đang đến cạnh nàng.

Nàng nói:

-        - Ông hãy quay về đi. Phía trước là hố thẳm.

Tôi búng mẫu tàn thuốc xuống dòng sông.  Nàng nói:

-        Lửa đã tắt.

Tôi thấy dòng sông rất đen và chảy nặng nề.  Có tiếng chuông từ bên dòng Chúa cứu thế.  Nàng hát thầm trong miệng bài Thánh ca nói về bữa tiệc ly.  Những người qua lại trên cầu không nhìn nàng. Bởi vì nàng trần truồng. Chắc nàng ngạc nhiên vì sao con người vốn trần truồng mà không trần truồng.  Ấy là tôi nghĩ thế. Nàng không hề thắc mắc vì sao? Thế nào?

Tôi bỗng nhớ đến nàng Remediot.  Nàng trần truồng trinh bạch. 

Tôi đứng cạnh nàng và cũng không nhìn nàng.  Tôi nhìn về phương Đông. Có một chòm mây màu vàng giữa một nền xanh màu thiên thanh. Tôi nghĩ nơi đó là biển. Nàng nghĩ nơi đấy là hư không.  Tôi thấy nàng hiện hữu.  Nhưng nàng thấy nàng đang là hư không. Tôi không biết nói gì với nàng. Có tiếng ai đó hát dưới chân cầu. Nàng bảo đó là tiếng sóng ngầm trong lòng sông.

Tôi định bỏ đi nhưng nàng cũng không có ý giữ tôi ở lại. Nàng bảo tôi quay về. Trước mặt là hố thẳm. Không xoay về phía tôi, nàng bảo:

-        - Ông còn viên đạn nào không?

-       - Tôi còn một viên đạn cuối cùng.


-       - Hãy bắn vào nỗi cô đơn của loài người.

Tôi thấy nàng chảy nước mắt và tôi không đành bỏ đi.
Có một người nào đó mang tấm vải màu trắng đến choàng lên người nàng. Nàng không có phản ứng gì. Mắt vẫn đăm đắm nhìn về phương Đông có giải mây vàng trên nền da trời xanh.  Tôi thấy nàng đẹp như Đức Mẹ Đồng Trinh.

Người mang tấm vải đến là một thiếu nữ rất trẻ và cũng đẹp như nàng. Cô gái nói với tôi.

-        Chị ấy bị rối loạn thần kinh ông ạ từ đêm chị ấy cõng cái xác cụt đầu đã chương sình của anh ấy về từ trong rừng.

Tôi nói với cô gái.

-        - Tôi biết rồi.  Tôi đã nghe chuyện đó rồi.

Nhưng cô gái vẫn tiếp.

-        Chị ôm cái xác không đầu đó không cho ai chạm vào.  Đến ngày thứ ba thì chị loạn thần.  Và hơn tháng nay đúng vào giờ này, ngày nào cũng vậy, chị ở đây, đứng im như một pho tượng.

Không quay về phía tôi, nàng lên tiếng:

-        - Này ông, ông chưa về sao? Ông có nghe em gái tôi vừa hát?  Khúc bi thương của loài người.  Khúc hát về nỗi cô đơn.

Cô gái nắm tay nàng lay nhẹ.

-        - Chị ơi, về thôi chị.

Nàng nói:

-        - Về thôi. Ông có nghe không? 


Con người luôn luôn phải quay về. Về đúng cái nơi hắn là. Nguyên vẹn của ban đầu.  Không phải về nơi hắn đang là. Trước đây tôi không hề biết nàng là ai.  Nhưng những chuyện về một người phụ nữ điên trong thành phố tôi được nghe nhiều người kể lại. Mỗi người một mẫu. Như một huyền thoại. Nàng là một người đẹp có giọng hát hay từ khi còn học ở Jean D’art.  Hình ảnh đó vẫn còn lưu mãi trong bốn năm nàng ngồi ở giảng đường.  Sau này nàng còn hút thuốc lá và uống rượu.  Và nàng thường bật khóc nức nở trong cơn say rất tỉnh táo.  Nhiều người đàn ông đeo đuổi nàng. Nhưng nàng chọn sự cô đơn.

-        Ông còn đó không?

Nàng lập lại.

-      - Tôi đang đứng đây.

Tôi trả lời.

-       Ông không thể đứng đấy mãi mà không mất đi được.  Ông sẽ mất đi.  Anh ấy cũng mất đi.


Nàng nói nàng ghét các triết gia nhưng nàng yêu Đức Phật và Jesus.  Nàng là một người điên dễ thương nhất mà tôi gặp.

Vào giai đoạn phát triển cực độ nền văn minh vật chất và công nghệ chiến tranh có rất nhiều người điên trên hành tinh chúng ta.

“Về gặp gỡ máu tim anh một lúc
Rồi anh điên như từng đã điên rồi” *

Mỗi người điên một vẻ.  Khó có thể thâm nhập vào thế giới điên của từng con người.  Không thể hiểu hết họ.  Trừ khi, rồi có một ngày mình cũng phát cơn cuồng điên.

-      - Ông còn đó không?

Nàng lại hỏi.

Tôi không hề nghĩ nàng điên.  Nàng ăn nói rất chuẩn và tỉnh táo, dẫn dắt tôi vào những bí ẩn kỳ lạ.  Tôi bị nàng cuốn hút không những với sắc đẹp não nùng mà còn vì những điều nàng nói đầy tính ẩn dụ và nhất là đôi mắt nàng đăm đắm nhìn về một phương.

Tôi nói với người thiếu nữ:

-       Cô đưa nàng về đi.

Nhưng nàng bỗng nhiên quay ngoắt về phía tôi:

-     - Ông hôn em đi.  Anh hôn em đi Thụy ơi.

Rồi bỗng nàng cười vang.  Tiếng cười dội xuống dòng sông và nước mắt nàng ràng rụa.  Cô gái nắm tay nàng kéo đi.

-     - Về thôi chị ơi.

Nhưng nàng vùng ra bỏ chạy rất nhanh vào hướng cổng vào thành nội.  Tôi bỗng nghe một tiếng rú kinh hoàng và tiếng xe thắng gấp rít lên phía bên kia đường.

***

Hôm sau tôi ôm một đóa hoa hồng đến thăm nàng nơi bệnh viện. Gian phòng trắng lạnh thoảng mùi ete và mùi xà phòng. Nàng nằm ngủ như một nữ thánh.  Da trắng bệch. Một vết máu loang đỏ trên tấm băng quấn quanh trán nàng. Cô gái không có ở đó.
Tôi đặt bó hoa lên đầu giường, định quay đi nhưng nàng mở mắt nhìn tôi rất dịu dàng.

-      Ông đấy à. Ồ hoa đẹp quá!

Nàng định cầm bó hoa nhưng không cử động được.  Nàng nhờ tôi cắm hoa vào chiếc bình đặt trên table de nuit và nàng nói cám ơn.

Tôi quay lại định nói với nàng vài câu thì nàng đã nhắm mắt chìm vào cơn mõi mệt.  Tôi ngồi nơi chiếc ghế đặt ở cuối giường ngắm nhìn nàng.  Trông nàng thật đẹp và tội nghiệp.

Một tay nàng duổi thẳng và một tay đặt lên ngực.  Những ngón tay thon, trắng muốt, nổi những đường gân li ti xanh.

Tôi nghĩ đến Thụy, người đàn ông của nàng … Tôi không biết anh là ai và vì đâu phải nhận cái chết bi thảm như vậy.  Mặc dù, đôi khi, tôi nghĩ, thắc mắc về nguyên nhân cái chết của một người thật vô cùng ngớ ngẩn và thừa thải. Thế giới loài người là một thế giới đầy dẫy cái phi lý, không giải thích vì sao được.

Và cái chết của con người là một ẩn số chứa đầy cái phi lý đó.

Chúng ta hoài nghi và chúng ta đi tìm một sự giải thích, nhưng tất cả những giải thích của chúng ta đều đưa đến phi lý như một tảng đá oan nghiệt đè mãi lên kiếp người.

Tôi nghe nói Thụy là một nhà phân tâm học.  Khác với nàng, anh yêu các triết gia và nghiên cứu tất cả các học thuyết.  Và anh bị chặt đầu vì anh là trí thức.  Phải chặt bỏ cái đầu chứa quá nhiều tư tưởng của anh.  Và anh chết vì một nguyên nhân vô cùng phi lý.

Nàng chợt mở mắt nhìn tôi và bảo tôi lấy cho nàng tách nước.

Tôi rót nước và đỡ nàng ngồi tựa đầu vào chiếc ghế cao sau lưng.  Tôi đưa ly nước. Tay nàng yếu quá không đỡ được. Tôi đưa lên miệng nàng.  Đôi môi đỏ nhợt.  Nàng uống từng ngụm nhỏ.  Tôi cảm nhận hơi thở nàng thoáng mùi ngai ngái của rong biển.

-       Người ta bảo em điên ông ạ.

Nàng nói nhỏ qua hơi thở.

-        Nhưng em thấy em rất tỉnh táo. Người điên là người mất trí phải không ông? Nhưng đầu óc em rất bình an mà. Em còn nhớ hôm qua ông đến thăm em khi em đứng ở nghĩa địa đầy những thây người chưa ai chôn cất.

Tôi định nhắc nàng hôm qua tôi gặp nàng ở bên cầu lúc mặt trời đang lên có một giải mây vàng và nền trời xanh.  Nhưng không hiểu sao tôi lại bảo nàng:

-    -  Vâng, hôm qua, đúng là thế.

-        Ông đi xem từng thây người, ông bảo xem có ai quen không, nhưng ông tìm không ra vì tất cả đều bị chặt đầu.


-      - Vâng, không ai còn cái đầu.

Tôi biết nàng đã bị ám ảnh một thảm cảnh kinh hoàng.  Có thể nàng đã cõng cái xác cụt đầu chương sình nào đó trong đống xác người ở một góc rừng và nghĩ đó là Thụy.  Cho đến bây giờ nỗi kinh hoàng đó vẫn đè nặng tâm trí nàng không thể nào thoát ra được.

-     - Tôi đỡ cô nằm xuống nhé?

Tôi nói với nàng mong dẫn nàng ra khỏi cơn mê sảng.  Nàng ngoan ngoãn tựa đầu vào tay tôi. Tôi kéo chăn lên đắp ngang ngực nàng và cuối xuống hôn lên dải băng trên trán nàng.  Nàng nhắm mắt lại. Không rõ nàng có ngủ không. 

Tôi đứng lên, không định bỏ đi vì không nỡ để nàng nằm một mình.  Nhưng cánh cửa phòng xịch mở.  Cô gái, em nàng, đứng đấy với một cái làn đựng thức ăn trên tay.  Tôi nhìn đồng hồ: Đã mười giờ.  Cô gái bước vào:

-   - Chào ông.  Ồ hoa đẹp quá, cám ơn ông.

Tôi nói với cô gái tôi phải đi đây.  Cô nắm tay tôi ấn xuống ghế.

-     -  Không. Ông ở lại đây với em.  Ở lại đây với chúng em.

Cô gái nhìn tôi thật lâu rồi nói:

-     -   Hình như từ khi gặp ông, chị em tỉnh hơn. Em cảm ơn ông vô cùng.

Tôi nói với cô gái là cô không cần cảm ơn tôi vì sự xuất hiện của nàng trong cơn điên ấy đã gõ vào trái tim tôi những tiếng vọng của quá khứ, cái quá khứ bi thương mà anh em tôi đã hứng chịu, cái quá khứ bi thương bị che đậy bởi những học thuyết, những lừa lọc, những âm mưu.  Cái quá khứ mà ở đó anh em tôi đã bị ma thuật quỉ ám che đậy dưới đủ thứ màu sắc tự do trá hình.

Nàng đã khiến tôi nhớ lại và xin nhắc tất cả hãy đừng quên.  Đừng quên như kẻ đang dọ dẫm trong đêm tối nhớ rằng phía trước mặt trên con đường đi tới phải băng qua vực thẳm.

Nàng đã nói:

-      Ông hãy quay về đi. Phía trước là hố thẳm.

Trên những con đường tôi đã đi qua trong ba mươi năm đời mình tôi luôn phải băng qua những vực thẳm.  Có lắm khi tưởng chừng không vượt nổi.  Định mệnh khắc nghiệt của mỗi phận người gắn liền với định mệnh khắc nghiệt của lịch sử.

Lịch sử của một bộ tộc.  Lịch sử của một quốc gia.  Lịch sử của loài người. Cho nên hố thẳm anh phải rơi vào là hố thẳm của nhiều người khác cùng bị dìm vào. Vì thế mà cùng một thời điểm có nhiều người chết cụt đầu. Cùng một giai đoạn có nhiều người bỏ xác trên rừng, nhiều người cùng nổi trôi trên biển.  Cùng một thòi kỳ nhiều người cùng ở tù. Và cùng một thời kỳ rất nhiều người vong xứ.

Nàng thường nói: “Ông hãy quay về đi.  Phía trước là hố thẳm”.

Tôi định nói với nàng là chúng ta quay về đâu được bởi vì chúng ta đang nằm trong cái hố thẳm vô hình.  Chúng ta là những con thú nằm trong chuồng thú.  Cái chuồng thú được cấu tạo bằng những chất liệu có sức hủy diệt tập thể.  Chúng ta chưa bị cắt đầu moi tim gan vì chúng ta đang được chọn để chưng bày cho thế giới biết rằng chúng ta cần phải hiện hữu để chứng tỏ không có cái học thuyết hủy diệt con người, hủy diệt tri thức.

Cô gái đến đứng tựa bên cửa sổ không có rèm che nhìn xuống con đường chạy dọc theo tả ngạn dòng sông.

Tôi đến bên cô, nói khẻ sau lưng cô và nghe một mùi hương quyến dụ ngây ngất từ cơ thể bé bỏng của cô tỏa ra, khiến lòng tôi nôn nao một nỗi đau kỳ lạ từ một dĩ vãng xa xôi của tuổi thiếu niên.


-       Khi cô lớn lên thì thành phố đã đổi thay nhiều rồi.

-    - Vâng, em cũng cảm nhận thế.  Cô gái nhỏ nhẹ.

-      Chúng ta mất những ngày tháng bình an.

Ngày xưa bóng chiều trên dòng sông, trên con đường này là lời ngọt ngào tình tự.  Bây giờ, trên mỗi bờ đá, nơi mỗi gốc cây là sự rình chờ của những bóng ma.  
Người ta đang giăng một màn lưới vô hình vây khốn chúng ta, và ai đủ sức phá rách màn lưới đó thì cũng lại bị rơi vào một lớp lưới vô hình khác.

-       Chị em dậy rồi ông kìa.

Tôi quay lại thấy nàng mở mắt nhìn tôi mỉm cười, nụ cười xanh xao như lời từ biệt. Nàng nói:

-        Ông vẫn còn đấy ư? Bên ngoài trời đang nắng phải không em?

-     - Vâng.  Cô gái trả lời.  Trời đang nắng nhưng se lạnh chị ạ. Chị thấy có đỡ không?

Nàng không trả lời mà ra dấu muốn tôi đỡ nàng ngồi dậy.
Đỡ nàng ngồi tựa chiếc ghế sau lưng tôi ra hiệu với cô gái cho nàng ăn, nhưng nàng khoát tay bảo không đói. Nàng nói:

-     - Em không đói.  Cứ để đấy cho em. Mọi việc rồi thế nào cũng xong ông ạ. Khi đứng bên chân cầu nghe ai đó hát dưới dòng sông, em cảm thấy như lời tiển đưa em về nơi an nghỉ, vĩnh viễn trở về cái nơi mình , không phải cái mình đang là. Nhưng khi em lội vào cái hố đầy xác người cụt đầu, em chợt nghĩ ra rằng, rồi mình cũng không biết cái nơi mình là đó ở chốn nào?

Tôi thấy nàng vừa tỉnh táo vừa bấn loạn. Nàng cứ bơi lội trong dòng chảy êm đềm của ký ức, vừa lặn hụp trong cơn cuồng lưu dữ dội của quá khứ.

Và tôi cảm thấy mơ hồ rằng nàng đang bị ám ảnh bởi một cái chết vô cùng đớn đau một cách thầm lặng như cái buổi chiều tang tóc lạnh lẽo nơi một góc rừng xa, nàng vừa chạy hối hả vừa bước đi lảo đảo như kẻ mộng du bị rượt đuổi bởi chính cái bóng ma của mình, chân nàng lún sâu vào những thây người nhầy nhụa, máu đặc ẩm ướt bám vào chân và áo quần nàng mỗi khi nàng rút chân lên và té nhào nằm đè lên những cái xác không đầu, đôi khi nàng lịm đi và nghĩ mình cũng đang chết một cách kỳ lạ, bởi vì cái xác chết của mình vẫn đang cử động và miệng lẩm nhẩm cầu kinh.

Tôi không nhìn nàng nhưng tôi nhìn vào một khoảng trống vắng lạnh bên ngoài khung cửa sổ và ở đó bóng dáng nàng ẩn hiện chập chờn như một dải mây, khuôn mặt nàng méo mó và mái tóc chảy dài xuống che lấp nửa bầu vú trắng có từng vòi sửa chảy ra lẫn những sợi máu màu đỏ tươi.

Tôi nghe lành lạnh ở sống lưng và chợt nhận ra mình vừa ngủ mê nhưng vẫn mở mắt nhìn vào bình hoa có những đóa hoa màu trắng và màu đỏ rung rinh theo thoáng gió từ bờ sông thổi vào.

Tôi nói với cô gái tôi phải đi đây và dặn cô ép nàng ăn uống đầy đủ.  Nàng nhìn tôi mỉm cười xa vắng và nhấc một cách yếu ớt cánh tay lên gởi tôi lời chào từ biệt.
Tôi bảo với nàng.

-       Tôi lại sẽ đến thăm.

Nàng nói cám ơn và không nhìn tôi.  Tôi khép nhẹ cửa và bước ra ngoài hành lang lạnh lẽo của bệnh viện.
Những nữ y tá qua lại lặng lẽ trong bộ blue trắng như những bóng ma.

Tôi băng qua đường và đi dọc bờ sông về hướng cầu. Dòng sông không chảy, chỉ gợn ít sóng làm nhăn nhúm những lớp da trên khuôn mặt già nua của thành phố cổ kính mục rữa.

***


Chiếc cầu sắt bắt qua sông như một gợn sóng chết được một công ty có tiếng ở Pháp xây dựng đâu đầu thập niên thế kỷ 19 thời kỳ Pháp đô hộ xứ này, nó là dấu tích còn lại của chế độ thực dân mà cho đến bây giờ nó lại là hình ảnh được tôn vinh và niềm kiêu hãnh bi thương của người dân xứ này.

Và trong tâm trí nàng, chiếc cầu là chứng nhân bi phẩn nhất của những tang thương bất chợt đổ lên thành phố yêu dấu của nàng bởi những kẻ nhân danh độc lập tự do, chính họ, cả hai phía, cùng một lúc ra sức hủy diệt cái thế giới mà họ đã giương cao ngọn cờ để bảo vệ.

Nàng ngây thơ không bao giờ biết được rằng họ, cả hai, chẳng bảo vệ nền tự do nào cả ngoài những âm mưu giành giật và bảo vện quyền lợi của chính họ, và những con người vô tội là vật hy sinh sau cùng cho chính lòng tham lam kiêu ngạo và phi nhân của họ. 

Đã biết bao lần tôi qua lại trên chiếc cầu này và lần nào tôi cũng cảm thấy một nỗi xót xa vô hạn khi chạnh nhớ đến điệu hò Nam Ai lắng đọng trên dòng nước không muốn trôi, điệu hò như một nỗi niềm cay đắng ray rức khôn nguôi về thân phận con người dưới sức đè nặng tàn khốc của những học thuyết.

Tôi dừng lại trên cầu nhìn về phía bên kia, nơi tôi thường gặp nàng, người phụ nữ tâm thần đứng bất động nhìn về phương Đông, nơi mặt trời sẽ mọc, đỏ thắm như màu máu, và bầu trời thì xanh với một sợi mây vàng như chút lòng nuối tiếc đau thương chảy vào cơn mộng mị phôi phai của nàng.

Tôi hình như nghe ai đó hát dưới chân cầu, lời hát buồn nói về cuộc chia ly của những mối tình mù mịt trong đạn bom.  Nàng thường bảo đó là tiếng sóng ngầm trong lòng sông, con sông đã quằn quại bên những ly tan của kiếp người.

Tôi mập mờ thấy nàng hình như vẫn còn đứng đó, bên kia cầu, da thịt trắng như sữa, không áo quần, tóc xõa xuống hai bên vai, và đôi bầu vú phập phồng theo từng hơi thở nhẹ.  Đôi mắt nàng chứa chất nỗi u hoài và đăm chiêu, đôi mắt của một người điên rất tỉnh táo chìm trong nỗi bình yên ngậm ngùi và quên lãng.

Tôi thấy nàng đứng đó dù tôi biết một cách chắc chắn rằng nàng đang nằm trong căn phòng trắng lạnh của bệnh viện, rằng nàng yếu đuối và mong manh đến nỗi không nhấc nỗi cánh tay lên mà cầm lấy bó hoa, và vì tôi vừa từ căn phòng đó đi ra và nhận nơi nàng lời từ biệt lặng căm.

Tôi chợt nghe một tiếng rơi rất nhẹ, như chỉ là chiếc lá khô, như chỉ là một giọt mưa, như chỉ là một hạt bụi từ thân phận cô đơn của một vì sao đã tắt, vừa rụng, làm chao nhẹ mặt sông và làm vỡ trào niềm đớn đau trong tôi.

Tôi vội chạy trở lại bệnh viện.  Không nhìn thấy gì hai bên đường. Một bóng tối đen đặc và lạnh băng phủ xuống lòng đường. Tôi nhảy hai cấp lên một cầu thang. Hành lang bệnh viện vắng lặng chập chờn những bóng trắng như những bóng ma cụt đầu trở về từ quá khứ mù mịt.

Tôi đến trước phòng nàng.  Cửa phòng không đóng. Nàng nằm đó, đôi mắt nhắm như mắt lá chưa kịp mở, đôi môi tái nhợt, một ít máu rỉ ra nơi trán, chưa khô.  Tấm drap trắng kéo lên ngang ngực, một cánh tay buông xuôi, một tay khác đặt hờ hững lên bó hoa hồng trên ngực.

Cô gái gục đầu dưới chân nàng, vai rung lên theo tiếng nấc nghẹn và cam đành. Tôi đứng nhìn nàng, tâm trí đặc cứng và khô quánh. Tôi đặt một tay lên vai cô gái.  Cô ngước đôi mắt đẫm lệ nhìn tôi, và từ cô, vẫn mùi hương ấy, mùi hương quyến dụ ngây ngất từ cơ thể bé bỏng của cô, khiến lòng tôi nôn nao một nỗi đau kỳ lạ.

Cô đưa tay chỉ cái làn đựng thức ăn - bấy giờ và trước đó tôi vẫn nghĩ đó là cái làn đựng thức ăn - đặt trên bàn về phía kề cửa sổ. Tôi với tay xách cái làn lên và vô ý để bật cái nắp bằng mây làm nghiêng và đổ ra: một cái sọ người đã khô và xạm nâu lăn lóc cóc trên nền gạch tráng men.

Tôi hoảng hốt và lạnh buốt.  Trời ơi! Một cái sọ người! Làm sao mà cô gái mang cái sọ người để trong cái làn đựng thức ăn vào đây?

Tôi bỗng thấy một chuỗi dài những hình ảnh dồn dập ùa về: sọ người chất thành đống.  Xương người chất thành đống.  Có người ca sĩ cuồng điên “hát trên những xác người”, “chiều đi qua bãi dâu” (**).  Đường nội thành chảy máu.  Xác nào là em? Xác nào là anh? Xác nào là cha? Xác nào là mẹ? Máu chảy vô tâm. Máu chảy tội tình. Máu chảy trong lời thánh ca bi thương đêm giáo đường hắt hiu trăm ngọn nến.  Tôi thắp bao nhiêu ngọn nến để cho đủ tưởng nhớ bao nhiêu người.

Tôi lay tấm thân đã lạnh cứng của nàng, người phụ nữ tôi không biết tên, người phụ nữ điên trong thành phố. Người phụ nữ đã mang từ cánh rừng lạnh lẽo nào đó một cái xác không đầu.  Không biết là ai.  Có thể là Thụy, người đàn ông của nàng.  Có thể là ai?  Là anh?  Là em? Là bạn bè? Là ai? Và bây giờ phải đem về cho nàng cái sọ người không biết là ai.

Có thể là Thụy.  Là anh. Là em.  Là bạn bè.  Là ai?

-        Là ai? Cô biết không?

Tôi bỗng hét to làm cô gái giật mình sợ hãi ngồi tụp xuống, khóc to lên.  Tiếng khóc xé vào tim tôi.

Tôi vụt bỏ chạy như một người điên.
Và hình như có một tiếng nổ phía chân cầu.  Chiếc cầu oằn xuống như cuộc đời của chúng tôi gãy gấp lại giữa hai lằn ranh hận thù.
Lê Nam Phương (Lê Văn Trung)

Ghi chú:  (*): Thơ Bùi Giáng.
               (**): Trịnh Công Sơn.

No comments:

Post a Comment